Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, Ủy Ban ATGT Quốc gia cho rằng, người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối cần phải có bằng lái. Góp ý này đã gây nhiều tranh cãi trái chiều.
Tai nạn giao thông tuổi học trò đáng báo động
Theo thống kê, năm 2023 có hơn 2.300 người dưới 18 tuổi gặp thương vong do tai nạn giao thông, trong đó hơn 1.000 người đã tử vong. Đáng chú ý, 80% nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18, và đa số các em đều tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối cũng cần tổ chức sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Theo ông Hùng, Dự thảo Luật Trật Tự ATGT đường bộ hiện nay có quy định tại khoản 3 Điều 7 là "Trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn theo quy định". Tuy nhiên, chưa rõ hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn ở đây là theo quy định nào và ai quy định. Trường hợp CSGT đến hướng dẫn thì có chứng chỉ đào tạo về kỹ năng lái xe an toàn hay không và có đủ điều kiện hay không? Nếu giao cho cơ sở giáo dục THPT thì sẽ quá tải, không có đủ cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, ông Hùng đề nghị chương trình sát hạch sẽ phải sát hạch như sát hạch GPLX A1 và phải đưa vào Trung tâm sát hạch chính quy thực hiện.
Đồng tình với đề xuất này, anh Nguyễn Hoàng Hải (trú tại Mộ Lao, Hà Đông) cho hay: Hiện nay, trên đường phố hay trước cổng các trường học không khó bắt gặp hình ảnh học sinh đi hàng hai, hàng ba phóng bạt mạng. Thậm chí, các em còn không ý thức được việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính bản thân mình.
"Với lứa tuổi mới lớn, tôi nghĩ các em học sinh vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm do hành vi mình gây ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng, nhà trường cần phải có chương trình học bài bản về Luật giao thông. Đặc biệt, phải để các em trải qua các bài thi sát hạch trước khi cầm lái là rất cần thiết", anh Hải cho hay.
Cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ATGT
Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy Ban ATGT Quốc gia: “Việc cấp chứng chỉ lái xe cho đối tượng thanh niên có tuổi từ 16 đến dưới 18 điều khiển xe gắn máy rất là xác đáng. Tuy nhiên bàn về hạng GPLX thì cần cân nhắc để điều chỉnh cho hợp lý”.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tạo cho hay, theo công ước về Giao thông đường bộ của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia cho phép người từ 16 đến dưới 18 tuổi được phép lái xe gắn máy. Nhưng thực tế, người tham gia giao thông hiện nay đang điều khiển đa số là xe mô tô, không phải xe gắn máy.
Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50km/h. “Những người điều khiển xe 50 phân khối như Honda 50 hay một số xe tương tự, đang có tốc độ cực đại lên đến 60 - 80km/h. Như vậy gọi đây là xe gắn máy không đúng với tinh thần của quy chuẩn về ATGT. Có thể nói, việc quản lý xe gắn máy vẫn còn bất cập”, TS Khương Kim Tạo phân tích.
Từng nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin, cả nước hiện có 23 triệu học sinh, trong đó học sinh phổ thông chiếm 30 - 40%. Do vậy đề xuất áp dụng quy định sát hạch, cấp bằng lái xe dưới 50 phân khối cần đánh giá được sự cần thiết và tác động đến xã hội.
“Nếu quy định áp dụng nhưng chưa đánh giá được tác động, sẽ dẫn đến cú sốc cho các nhà trường, phụ huynh và quá tải cho trung tâm đào tạo lái xe thì lại là hệ lụy xấu, bất an cho xã hội”, ông Quyền nói.
Theo TS Tạo, công tác giáo dục ATGT trong nhà trường sẽ được dạy từ lớp 1 cho đến lớp 12. Mỗi một cấp đều có những nội dung khác nhau. Từ nội dung đi bộ qua đường an toàn đến vấn đề điều khiển xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện… để học sinh hiểu rõ về Luật Giao thông.
"Các lớp tập huấn, bồi dưỡng cần sự phối hợp giữa nhà trường, cơ quan chức năng để bổ sung kỹ năng điều khiển phương tiện cũng như hiểu biết về pháp luật, trật tự ATGT, văn hóa giao thông cho học sinh. Sau đó cấp chứng chỉ cho đối tượng đã tham gia lớp tập huấn về ATGT. Điều này sẽ không làm xáo trộn thêm công tác đào tạo bằng lái xe", TS Khương Kim Tạo cho hay.