Có nên để học sinh tiếp cận với các kỳ thi quốc tế?

Thu Hương (ghi) 11/03/2016 11:06

PGS.TS Lê Anh Vinh- người nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Harvard ở tuổi 27 hiện đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục (CERA), ĐH Giáo dục, (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ những thông tin về vấn đề đào tạo học sinh giỏi hiện nay. 

Có nên để học sinh tiếp cận với các kỳ thi quốc tế?

Một buổi thi Olympic Toán quốc tế.

Thi để thấy môn Toán thú vị

Tham gia huấn luyện cho đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế nhiều năm liền, PGS.TS Lê Anh Vinh học phổ thông tại Việt Nam, tốt nghiệp ĐH tại Úc, làm nghiên cứu sinh tại Mỹ và có nhiều chuyến thực tế tại châu Âu. Anh cho biết, ở Mỹ, kỳ thi học sinh giỏi toán chia làm ba lớp 8, 10, 12. Ở vòng thi đầu tiên, tất cả học sinh đều có thể tham dự. Những học sinh đứng top 1 của kỳ thi, ví dụ thế, có quyền tự hào vì mình đang ở vị trí đó và không cần băn khoăn như các học sinh đứng top 1 của Việt Nam rằng, tôi đang đứng nhất trường này thì có bằng bạn đứng nhất trường khác hay không? Bởi hiện nay, ở Việt Nam đang tổ chức kỳ thi học sinh giỏi qua từng cấp, trước hết là cấp trường, quận huyện, tỉnh thành phố, sau đó mới là quốc gia.

“Sau vòng thi đầu tiên này, các vòng tiếp theo có sự lựa chọn và càng vòng sau càng gần với kỳ thi học sinh giỏi của Việt Nam. Lâu nay, nhiều người vẫn thắc mắc là ở nước ngoài liệu có luyện học sinh kiểu “gà nòi” như ở Việt Nam hay không? Học sinh để được chọn thi Olympic học có vất vả như Việt Nam hay không? Tôi khẳng định là rất vất vả. Ở Mỹ, để lọt vào vòng 6 bạn đi thi Olympic Toán quốc tế, sự vất vả không hề thua kém 6 bạn ở Việt Nam. Tuy nhiên cách làm của Mỹ ở cấp cơ sở thì hơi khác một chút, khiến cho mọi học sinh có thể tham gia. Học sinh không cần phải có năng khiếu về toán mà chỉ cần muốn tham dự kỳ thi thì đều có thể tham gia. Các em sẽ biết được mình đang học toán thế nào, các bạn học ra sao qua nội dung cuộc thi”- PGS.TS Lê Anh Vinh cho hay.

Cách ra đề của kỳ thi của Mỹ ở vòng thi thứ 1 rất gợi mở. Các câu hỏi ứng dụng gắn với thực tế và gần như là câu hỏi cho tất cả mọi người, những học sinh không cần phải xuất sắc lắm về toán cũng có thể giải được những câu đầu tiên. Những bạn rất xuất sắc mới có thể đạt điểm tối đa. Ưu điểm của cách làm này là khi được tiếp cận nội dung các bài thi, học sinh mới phát hiện ra hóa ra những gì mình học trên lớp có ứng dụng thực tế, rất thú vị, từ đó khơi gợi niềm yêu thích, hứng thú với môn học của mình hơn.

Trăn trở phong trào toán học ở Việt Nam

“Khi tôi được Bộ GD&ĐT cử phụ trách đội tuyển toán quốc tế của Việt Nam tham dự các kỳ thi toán quốc tế hàng năm, kết quả của đội tuyển rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đội tuyển toán của VN xếp thứ hạng rất cao nhưng phong trào học toán thì không biết đến đâu?”- PGS.TS Lê Anh Vinh nêu vấn đề. Ông cho rằng, phong trào toán học của Việt Nam không chỉ là để chọn ra 6 bạn đi thi Olympic toán quốc tế. Tất cả những học sinh đạt được kết quả tốt ở đội tuyển trường, cấp quận thành phố… đều rất đáng tự hào.

Trước câu hỏi hiện nay có các cuộc thi olympic cả của Việt Nam và quốc tế nhất là những cuộc thi trên mạng đang rất rầm rộ, có nên khuyến khích các em dự thi, TS Lê Anh Vinh cho rằng: “Mong muốn càng nhiều học sinh được tiếp cận với các kỳ thi chuẩn quốc tế càng tốt giúp học sinh tăng cường sự tự tin, tính cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế. Các em có được cơ hội trải nghiệm, thấy được việc học tập thú vị. Nhưng phải đặt ra câu hỏi: sau đó thì sao? Phong trào Toán học nói riêng và các môn học khác nói chung muốn phát triển thì phải có cách thức để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các em. Tôi nghĩ chương trình bổ trợ ngoại ngữ cấp Tiểu học, THCS là vô cùng quan trọng. Làm sao để sau này các em học sinh có thể học trực tiếp toán và các môn khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh để phát triển tư duy, sẵn sàng cho bước tiếp theo trên lộ trình phát triển của mình”.

Xuất phát từ trăn trở muốn tạo sân chơi có quy mô, chất lượng quốc tế để mọi học sinh tiểu học, THCS đều có thể tham gia, PGS.TS Lê Anh Vinh cùng với các cộng sự của mình ở CERA đã giới thiệu và đưa về Việt Nam một số kỳ thi toán quốc tế. Tới đây, IEG cùng CERA đồng tổ chức Kỳ thi toán Kangaroo tại Việt Nam. Đây là kỳ thi toán quốc tế có quy mô lớn nhất thế giới hàng năm có khoảng 7 triệu thí sinh tham gia đến từ 70 nước, phát triển từ năm 1991 tại Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên để học sinh tiếp cận với các kỳ thi quốc tế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO