Phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất đã nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định “cứng” các kỳ nghỉ lễ, Tết để các doanh nghiệp, người lao động có phương án chủ động hơn.
Linh hoạt đảm bảo sự phù hợp
Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến 16 cơ quan, bộ ngành về phương án nghỉ 9 ngày dịp Tết âm lịch 2025. Các Bộ Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều đồng tình với phương án mà cơ quan soạn thảo đưa ra để kỳ lễ kéo dài, giúp người lao động có thời gian bên gia đình, đi chơi, về quê, kích cầu du lịch, mua sắm hàng hóa. Nếu phương án được Thủ tướng thông qua, Tết Nguyên đán tới sẽ kéo dài từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng Ất Tỵ, tức từ thứ Bảy ngày 25/1 đến hết Chủ nhật 2/2/2025. Kỳ nghỉ gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần của 2 tuần liên tiếp.
Việc không cố định ngày nghỉ Tết âm lịch hàng năm đang là chủ đề được quan tâm rộng rãi, thu hút nhiều ý kiến từ người lao động, doanh nghiệp. Lý giải vấn đề này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, các ngày nghỉ Tết âm lịch, Quốc khánh 2/9, và các dịp 30/4, 1/5 đều được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên, lịch nghỉ Tết Âm lịch cụ thể hàng năm cần được sắp xếp một cách linh hoạt để đảm bảo tính thuận tiện cho người lao động và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm.
Ông Thắng cho hay, mỗi năm các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật có thể liền kề với ngày nghỉ lễ, Tết song cũng có năm giãn cách. Như năm 2025, trước và sau nghỉ Tết đều là ngày nghỉ hàng tuần, do vậy, kỳ nghỉ này có thể kéo dài 9 ngày, còn thực tế nghỉ Tết vẫn chỉ 5 ngày. “Đây là lý do phương án nghỉ mỗi năm cần linh hoạt, nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật. Quyền nghỉ hàng tuần được quy định trong luật, không phải là nghỉ Tết. Việc sắp xếp ngày nghỉ cuối tuần liền kề với ngày nghỉ Tết là phù hợp. Nếu nghỉ dài quá thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị có thể bị ảnh hưởng, nhưng nếu ngắn quá thì người lao động cũng khó khăn” – ông Thắng nói thêm.
Chủ động lên phương án nghỉ lễ, Tết sớm
Theo ông Thắng, thực tế, quy định ngày nghỉ Tết đối với công chức, viên chức là tương đối cố định. Còn đối với doanh nghiệp, tùy theo yêu cầu của dây chuyền sản xuất, có trường hợp cần đi làm vào ngày lễ, Tết, thì người lao động cần được hưởng các chính sách về tiền lương cao hơn và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật, sau đó có thể bố trí nghỉ bù. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH khuyến khích các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết theo quy định của Chính phủ.
Một số ý kiến cho rằng việc cố định lịch nghỉ Tết trong nhiều năm liền có thể giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng lên kế hoạch dài hạn. Song, theo ông Thắng, việc này gặp nhiều khó khăn do phải cân nhắc nhiều yếu tố như tình hình kinh tế, xã hội, thiên tai và dịch bệnh. Cũng theo ông Thắng, tuy không cố định ngày nghỉ lễ, Tết nhưng các phương án đều được Bộ LĐTBXH lên kế hoạch và xin ý kiến các bộ, ngành sớm. Việc ban hành trước 2 - 3 tháng sẽ góp phần để các cơ quan, đặc biệt là doanh nghiệp thu xếp phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, còn người lao động chủ động xếp lịch về quê, mua vé tàu xe.
Việt Nam có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ chính thức trong năm, gồm Tết dương lịch 1 ngày, Tết âm lịch 5 ngày, Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày, dịp 30/4 - 1/5 nghỉ 2 ngày và Quốc khánh 2 ngày. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về kỳ nghỉ lễ, Tết kéo dài song đa phần ý kiến người lao động đều đồng tình, ủng hộ. Bởi việc nghỉ lễ, Tết dài ngày chính là dịp để người lao động tái tạo sức lao động. Đồng thời là dịp để tăng phúc lợi của người lao động, góp phần kích cầu du lịch, tiêu dùng…