Bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. Hiện nay mức trợ cấp quá thấp chưa đủ giúp người lao động đảm bảo cuộc sống tối thiểu chính vì vậy, nhiều người đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Với trường hợp người lao động bị thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp song tối đa không quá 12 tháng.
Góp ý cho dự thảo luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.
Với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,56 triệu đồng giai đoạn 2022 - 2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó theo thống kê của công đoàn, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Tính ra với mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người lao động cũng như chuyên gia.
Chia sẻ quan điểm về việc có nên tăng tiền trợ cấp thất nghiệp, anh Nguyễn Quốc Hoàn - công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, không người lao động nào muốn mất việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì khi nghỉ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đồng nghĩa với việc thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng bị gián đoạn, về hưu lương hưu cũng sẽ giảm.
“Bất đắc dĩ người lao động buộc phải làm trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp rất có ý nghĩa giúp người lao động có thêm tài chính để trang trải sinh hoạt trong thời gian tìm việc hoặc học nghề để chuyển đổi công việc. Vì vậy, việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp sẽ rất có ý nghĩa với người lao động” - anh Hoàn nói.
PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, tăng mức được hưởng trợ cấp thất nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Theo ông Thọ nếu đề xuất tăng 75% mức trợ cấp thất nghiệp được thực thi, người lao động sẽ có thêm khoản kinh phí để yên tâm hơn với những chi phí sinh hoạt trong khoảng thời gian mất việc làm. Bên cạnh đó, người lao động sẽ có thể an toàn hơn, trong việc bảo đảm an sinh xã hội sẽ được bảo đảm tốt hơn.
Đề nghị giữ nguyên
Trước đề xuất tăng mức trợ cấp thất nghiệp, cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành. Theo Bộ LĐTBXH, mức hưởng 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Mức trợ cấp thất nghiệp tối thiểu này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm. Với quy định thời gian hưởng tối đa được coi là chế độ hỗ trợ ngắn hạn, đồng thời thúc đẩy người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề…” - đại diện Bộ LĐTBXH cho biết.
TS Phạm Đình Thành - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc duy trì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp như hiện nay (60%) là động lực thúc đẩy người lao động phải tích cực tìm được việc làm mới nhằm bù đắp những khoản thiếu hụt trong chi tiêu hàng ngày. “Nên duy trì mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 60% như quy định hiện hành. Có chăng là điều chỉnh mức hưởng lên 75% cho những người lao động có con là phù hợp” - ông Thành nêu ý kiến.
Theo ông Thành, thực tế có nhiều doanh nghiệp đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở mức lương tối thiểu vùng, mặc dù thu nhập thực lĩnh từ tiền lương luôn cao hơn. Do đó, để thực hiện minh bạch hóa mọi hoạt động kinh tế, trong đó có cả thu nhập của người lao động thì doanh nghiệp phải thực hiện đóng đúng, đóng đủ mức lương và các chế độ phụ cấp theo quy định. Khi đó, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không bị ràng buộc ở mức đóng theo tiền lương tối thiểu vùng, điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ được hưởng số tiền trợ cấp thất nghiệp cao hơn hiện nay.
Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6 - 8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp) do đại dịch Covid-19 tác động. Chi trợ cấp thất nghiệp mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng, năm sau cao hơn trước.