Tháng 7 về, tôi lại nhớ tới ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền: “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình…”
Nhạc sĩ Tân Huyền sinh năm 1938, tên thật là Phan Văn Tần, quê tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông vốn là thầy giáo dạy Văn, đến với âm nhạc một cách tự nhiên bằng sáng tác đầu tay “Nhớ về quê em”. Sau đó, âm nhạc có sức hấp dẫn riêng khiến ông quyết định bỏ nghề dạy học đi theo những giai điệu âm nhạc.
Bây giờ, nhìn lại con đường âm nhạc của nhạc sĩ Tân Huyền, thấy ông có một số ca khúc được yêu thích như “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”... và một số ca khúc thiếu nhi rất được yêu mến: “Chị ong nâu và em bé”, “Cháu vẽ ông mặt trời”...
Đặc biệt, ca khúc “Cỏ non Thành cổ” - một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Tân Huyền - cũng chính là sáng tác nằm trong chùm ca khúc đưa ông đến với giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001). Ca khúc “Cỏ non thành cổ” còn được Bộ Quốc phòng trao giải “Bài hát xuất sắc nhất về đề tài Lực lượng Vũ trang nhân dân”.
Tôi vẫn nhớ lần đó nhạc sĩ Tân Huyền kể cho nghe về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Cỏ non Thành cổ”.
Ông kể khá dài bằng giọng nói nằng nặng, chầm chậm vì xúc động và cũng vì cách đó mấy năm ông có trải qua một cơn tai biến: “Đầu xuân năm 1990 tôi cùng với nhạc sĩ Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh... đi vào Quảng Trị thâm nhập thực tế sáng tác theo lời mời của địa phương. Khi đó thành cổ còn hoang sơ lắm, chưa có tượng đài, chưa có bảo tàng như bây giờ đâu, chỉ thấy toàn cỏ là cỏ. Tôi ở thành cổ Quảng Trị mấy hôm, có khi ngồi ngoài trời cả đêm mà vẫn chưa tìm ra “tứ” nào để viết.
Tôi cũng trăn trở lắm, vì những hi sinh mất mát của chiến sĩ ta ở Thành cổ Quảng Trị là rất to lớn. Bỗng một sáng sớm, tôi đang đi loanh quanh trong thành thì gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Lập nói đại ý rằng: “Anh Huyền ơi, cỏ lên xanh đẹp thế này đấy, nhưng mỗi tấc đất dưới lớp cỏ xanh này đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ ta đổ xuống. Có khi chỉ lật nhẹ lớp đất là có thể bắt gặp ngay hài cốt ở dưới...”. Mấy câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Lập đã gây xúc động mạnh cho tôi”.
Vậy là cái tứ cho bài hát mà lâu nay nhạc sĩ Tân Huyền mong muốn bất ngờ bật ra…
Rồi nhạc sĩ Tân Huyền kể tiếp: “Tôi viết bài này còn là vì có nỗi niềm riêng. Em trai tôi đi bộ đội miền Nam và từ ngày em đi, cứ đến chiều chiều là bà mẹ già nua của tôi lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng em trai tôi không bao giờ trở về nữa.
Vì thế, cái đoạn lời: “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh người mẹ của tôi đấy! Viết được “Cỏ non Thành cổ”, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn, bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh của mình, với người mẹ đã khuất”.
Sau khi bài hát ra đời, nhiều ca sĩ như Kim Tiến, Thái Bảo, Lệ Thu, Nhã Phương, Minh Huyền, rồi sau này là Việt Hoàn, Tấn Minh, Minh Thu, Đông Hùng… thể hiện. Mỗi người lại có cách khai thác, thể hiện cảm xúc khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng, “Cỏ non Thành cổ” là ca khúc hay nhất, ca khúc để đời của nhạc sĩ Tân Huyền. Có lẽ vì, tác giả đã có những xúc động chân thực, sự dồn nén tình cảm thể hiện trong từng nốt nhạc khiến bài càng nghe càng thấy hay và có chiều sâu. Mặc dù đó là một bài hát với ca từ và nốt nhạc rất giản dị, giản dị từ cách đặt tên.
Có nhiều ý kiến còn cho rằng, đây là bài hát viết về chiến tranh ra đời sau cuộc chiến vào loại hay nhất trong kho tàng ca khúc Việt Nam.
Nhạc sĩ Tân Huyền mất năm 2008, thọ 78 tuổi. Một trong những bài hát cuối cùng của ông là “Mười đóa hoa đồng trinh” viết về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc.