Sau giải phóng tháng 4/1975, phong trào sinh viên Huế rất sôi nổi. Lúc bấy giờ sinh viên chỉ cần nghe tên vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã xốn xang. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của chị Dạ nhiều sinh viên thuộc. Còn tập bút ký “Rất nhiều ánh lửa” của anh Tường cũng rất nổi tiếng.
“Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau...”.
Những câu thơ thật da diết, thật ám ảnh và cũng đong đầy nhớ nhung. Nó giản dị và nhân hậu như chính tác giả của nó - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Trong trái tim của những thế hệ sinh viên Huế đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, chị Dạ vừa tài vừa đẹp, lại rất nhẹ nhàng.
Ngày ấy, chúng tôi có dịp được gặp thần tượng của mình là anh Tường - chị Dạ ở tầng 2 khu chung cư cũ Nguyễn Trường Tộ, TP Huế, gần Nhà thờ Phủ Cam. Con đường nơi 2 thi nhân ở có nhiều cây long não. Còn trong căn phòng của họ có những bức tranh, những bức ảnh và một số kỷ vật về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì đây cũng là nơi người nhạc sĩ họ Trịnh từng ở.
Vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ có 2 “công chúa”, Hoàng Dạ Thư và Hoàng Dạ Thi. Hồi ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du, chị Dạ thường kể về con gái. Trong bài “Khúc hát ru người mẹ trẻ, chị viết: “Đôi làn môi con/ Nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ/ Nghiêng về phù sa/ Như hương hoa thơm/ Nghiêng về ngọn gió”.
Cuộc đời kỳ lạ đã đưa tâm hồn thấm đẫm văn chương Lâm Thị Mỹ Dạ đến với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau này, anh Tường bị bệnh, nằm một chỗ, một tay chị Dạ chăm nom từng miếng ăn giấc ngủ, như trong bài “Cho anh tựa vào em”, chị viết: “Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em”. Và rồi chính chị cũng lại mắc bệnh alzheimer.
Ngày 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TPHCM, hưởng thọ 75 tuổi.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên văn đàn từ năm chị 20 tuổi và nhanh chóng tạo dựng được phong cách riêng, duyên dáng nhưng không làm dáng. Chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorky (Liên Xô cũ), ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa III và IV. Chị có nhiều thời gian làm việc tại Tạp chí Sông Hương.
Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” trong chùm thơ 3 bài của Lâm Thị Mỹ Dạ đã giành giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973. Giới phê bình văn học đánh giá “Khoảng trời, hố bom” là một trong những bài thơ hay nhất viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong sự nghiệp văn chương, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã có được nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”, năm 1983; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn hoạc nghệ thuật Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Vẫn biết rằng rồi ai cũng phải đến lúc ra đi, nhưng có những người mà sự ra đi của họ để lại sự bâng khuâng cho rất nhiều người, trong đó có hồn thơ quá đỗi dịu dàng Lâm Thị Mỹ Dạ.