Chính quyền TPHCM đang thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN có vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM đến hết năm 2025. Đây là một trong những mục tiêu để đô thị này đảm bảo vị thế đầu tàu kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước.
Trong giai đoạn đầu, TPHCM sẽ thực hiện cổ phần hóa với 3 nhóm DN thuộc nhiều đơn vị mũi nhọn của thành phố. Trong đó, nhóm cổ phần hóa được nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên được thực hiện đối với Tổng Công ty (TCT) Thương mại Sài Gòn. Đối với nhóm 8 DN thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50 đến dưới 65% vốn điều lệ.
Riêng tại TCT công nghiệp in bao bì Lksin được cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Ngoài ra, TPHCM cũng có kế hoạch sắp xếp TCT Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV theo quy định pháp luật về sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp. Việc để ra kế hoạch cổ phần hóa, với tiến độ quyết liệt đến hết năm 2025 hoàn thành công bố giá trị DN đối với nhóm TCT do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TPHCM theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau năm 2025, TPHCM sẽ nghiên cứu sắp xếp lại toàn bộ DN Nhà nước trên địa bàn theo các nhóm ngành động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.
Việc TPHCM đang chỉ đạo quyết liệt tiến độ cổ phần hóa các nhóm DN nhà nước, theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM, đây là một thực tế cho thấy sức ép đối với vị thế đầu tàu kinh tế cả nước của TPHCM suốt nhiều thập kỷ qua. Bởi vì, hiện nay các nền kinh tế mới nổi, có sự chuyển dịch tăng trưởng rất nhanh ngay tại khu vực Đông Nam Bộ, gồm có Bình Dương, Đồng Nai, Bà rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, báo cáo năm 2023 Bình Dương vào tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với gần 4.200 dự án, vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương cũng cao nhất nước. Địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí trung ương và đứng thứ 3 về thu ngân sách nội địa. Không chỉ Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thường xuyên ở tốp đầu cả nước về PCI. Năm 2024, tỉnh này dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm trước.
Là một đô thị đặc biệt của cả nước, TPHCM nhận thức rất rõ về việc cần phải có các DN nhà nước có tiềm lực, được đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thông qua ứng dụng khoa học công nghệ cao. Từ đó, thể hiện được vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt trong nền kinh tế. Hơn thế nữa, còn phải tạo ra sự đột phá, sức lan tỏa cao trong các lĩnh vực trụ cột, như thương mại – dịch vụ, đầu tư tài chính, xây dựng – địa ốc, công nghệ thông tin – chuyển đổi số, du lịch, dịch vụ công, tài nguyên môi trường,…
Chủ trì cuộc họp báo cáo về kế hoạch sắp xếp lại DN nhà nước và DN có vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu DN nhà nước tạo ra thời kỳ mới cho thành phố. Trước mắt, cần các DN nhà nước đủ mạnh, trở thành công cụ mạnh cho chính quyền thành phố trong điều hành kinh tế - xã hội. Sau sắp xếp, các DN nhà nước phải mạnh hơn, hiệu quả hơn thể hiện qua vai trò trụ cột trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Bên cạnh việc cổ phần hóa, tái cấu trúc đối với các DN nhà nước trụ cột, TPHCM cần đánh giá những đơn vị nào hoạt động hiệu quả, đơn vị hoạt động không hiệu quả để chia thành các nhóm tái cấu trúc. Bởi vì, thời gian qua nhiều sai phạm, liên quan đến sự thiếu trách nhiệm trong điều hành, quản lý tại một số đơn vị TCT do UBND quản lý, đã cho thấy ở không ít khâu, bộ phận còn lỏng lẻo, tiêu cực. Đồng thời, việc rà soát này cũng giúp xác định hình thức sắp xếp phù hợp, thậm chí quyết liệt hợp nhất, sáp nhập các DN yếu kém để đảm bảo không thất thoát, lãng phí ngân sách.