Văn hóa

Cổ phục cho phim

Phạm Sỹ 23/04/2025 10:03

Vấn đề cổ phục ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng – không chỉ trong giới làm phim mà còn từ khán giả yêu thích văn hóa, lịch sử. Chính vì vậy, các nhà làm phim ngày càng chú trọng đến các yếu tố này. Ngoài việc mời các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, mỗi lần xây dựng cổ phục cho các bộ phim còn có sự đóng góp của nhiều người trẻ…

Giữ hồn lịch sử qua từng lớp áo

Đối với phim cổ trang, cổ phục đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ để minh họa cho niên đại của bối cảnh, mà còn truyền tải giá trị văn hóa, xã hội và thẩm mỹ của một giai đoạn lịch sử.

co ảnh-1
Phục trang là yếu tố nhận được nhiều khen ngợi nhất ở phim “Phượng Khấu”. Ảnh: Minh Tú

Nhiều dự án phim Việt Nam đã cho thấy sự nghiêm túc trong việc tái hiện cổ phục. Điển hình như cuối năm 2024, phim “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” lấy bối cảnh vào giai đoạn cuối thời phong kiến - thời điểm giao thoa dữ dội giữa nếp sống truyền thống và những tư tưởng hiện đại. Phục trang trong phim không chỉ là lớp áo bọc ngoài, mà còn mang trọng trách thể hiện sự biến chuyển của xã hội thông qua từng nhân vật.

Hay như bộ phim “Phượng Khấu”, ra mắt năm 2020, được xem là một trong những sản phẩm tiên phong đầu tư bài bản cho mảng phục trang cung đình triều Nguyễn. Từ chất liệu, họa tiết, màu sắc đến phong cách mặc đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, góp phần tạo nên một không gian cung đình vừa sang trọng, vừa gần với sử liệu.

Dự kiến ra mắt khán giả vào dịp 30/4 tới, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” là bộ phim trinh thám mang màu sắc kinh dị của đạo diễn Victor Vũ - vừa được giới thiệu với công chúng. Lấy bối cảnh Việt Nam cuối thế kỷ 19, phim theo chân thám tử Kiên trong hành trình phá giải một vụ án bí ẩn.

Bên cạnh nội dung hấp dẫn, phim gây chú ý bởi nỗ lực phục dựng cổ phục Việt Nam với gần 1.000 bộ trang phục may thủ công, trải dài từ vai chính đến quần chúng. Trang phục trong phim được phân cấp chặt chẽ theo địa vị xã hội: tầng lớp quý tộc khoác áo dài lụa, đội khăn vấn hay nón quai thao tinh xảo; người lao động mặc áo tứ thân mộc mạc. Mỗi thiết kế đều được nghiên cứu kỹ lưỡng từ sử liệu, góp phần tái hiện chân thực không khí thời đại.

Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, cổ phục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các bộ phim lịch sử hay những tác phẩm lấy bối cảnh quá khứ. Khác với phim hiện đại, cùng với nội dung, diễn viên, phim cổ trang đòi hỏi quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục. Trong điện ảnh, tính hiện thực là yếu tố then chốt. Nếu trang phục không phù hợp với bối cảnh lịch sử mà bộ phim tái hiện, sẽ tạo ra cảm giác phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người xem.

Cẩn trọng nhưng không cứng nhắc

Một bộ phim có phục trang được chăm chút kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở sử liệu đáng tin cậy, không chỉ làm tăng tính chân thực mà còn tạo ra cảm xúc kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Vì vậy, những sai lệch, dù nhỏ đều có thể khiến người xem thất vọng.

co ảnh-2
Bộ phim điện ảnh “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” thu hút sự chú ý nhờ vào nỗ lực đầu tư chỉn chu trong việc sử dụng cổ phục. Ảnh: NSX

Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng nhấn mạnh, nếu trên sân khấu, trang phục mang tính ước lệ cao thì cổ phục trong phim cần tạo cảm giác chân thực, gần gũi với đời sống. Dù có thể sáng tạo để phù hợp với tính cách nhân vật và câu chuyện phim, nhưng sự sáng tạo ấy vẫn phải đặt trong giới hạn của hiện thực lịch sử, không thể tùy tiện, phá cách thái quá.

Cổ phục là một khía cạnh quan trọng của văn hóa, gắn liền với tiến trình phát triển liên tục của trang phục Việt Nam từ xưa đến nay. Trong quá trình đó, cổ phục có sự tiếp thu, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, nên việc phục dựng càng cần sự cẩn trọng. Việc giới trẻ quan tâm đến cổ phục cũng đồng nghĩa với sự quan tâm đến lịch sử – tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển văn hóa Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức – tác giả cuốn “Ngàn năm áo mũ” cho rằng, việc sử dụng và tái hiện cổ phục trong điện ảnh Việt Nam không thể đạt độ chính xác tuyệt đối. Mọi phục dựng chỉ mang tính tương đối, là sự tái hiện phảng phất không khí của quá khứ, bởi những tư liệu về cổ phục chỉ tồn tại qua ghi chép. Ngay cả với các thời kỳ gần đây, cũng khó có thể phục dựng một cách hoàn toàn chuẩn xác.

“Nếu cứ chăm chăm vào việc đúng, sai thì sẽ gây khó khăn cho việc tái hiện lịch sử. Cần có không gian để cho người ta phát triển, sáng tạo”, ông Đức bày tỏ. Theo ông Đức, điện ảnh luôn mang hơi thở của thời đại. Trong dòng chảy ấy, trang phục chỉ là một yếu tố bên cạnh văn hóa, lịch sử, lối sống… Vì vậy, không thể xem cổ phục trên phim theo tiêu chí đúng hay sai một cách máy móc. Nếu quá đặt nặng vấn đề đúng - sai, việc tái hiện lịch sử sẽ trở nên cứng nhắc và thiếu sáng tạo.

Với góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia – nhận định, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi tính chân thực, gần gũi với sự thật lịch sử và đời sống. Trang phục là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính chân thực đó. Do vậy, nếu một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử mà phục trang không phù hợp với thời kỳ được tái hiện, sẽ dễ gây cảm giác lạc lõng và chắc chắn sẽ vấp phải sự phê phán.

Tuy nhiên, GS.TS Vũ Minh Giang cũng cho rằng, đối với những giai đoạn lịch sử xa xưa, tư liệu để phục dựng trang phục là vô cùng hạn chế. Vì vậy, việc tái hiện cổ phục trong những trường hợp này chỉ có thể mang tính tương đối. Tuy nhiên, "tương đối" không có nghĩa là tùy tiện. Để làm tốt, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc ở mức độ cao nhất, đồng thời tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn đầu ngành.

“Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu về trang phục cổ. Đây không chỉ là yêu cầu riêng đối với điện ảnh mà còn phục vụ cho công cuộc nghiên cứu văn hóa – lịch sử nói chung. Hiện nay, lĩnh vực này vẫn còn thiếu hụt, chưa đáp ứng đầy đủ việc khảo cứu phục trang qua các thời kỳ lịch sử” - GS.TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ phục cho phim