Sáng 9/11, ĐBQH thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn khác nhau của Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định đưa hệ thống cơ sở tạm giữ, tạm giam về Bộ Tư pháp quản lý để đảm bảo tính độc lập với hoạt động điều tra.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, thực tế còn nhiều vụ việc vi phạm quy định trong quá trình tạm giữ, tạm giam (TGTG) vì đối tượng sợ không dám tố cáo, khiếu nại hoặc đã cam kết không khiếu nại sau khi được tự do. Nguyên nhân được cho là do việc quản lý TGTG vẫn còn “gần gũi” với cơ quan điều tra (CQĐT).
Đồng tình quan điểm này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, hoạt động TGTG đã tách biệt với CQĐT hình sự cùng cấp, nhưng vẫn do công an cấp huyện, cấp tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy. Việc điều động, bổ nhiệm nhân sự cũng bị phụ thuộc, thiếu khách quan. Vì vậy ĐB đặt ra câu hỏi liệu có sự minh bạch trong mối quan hệ và sự tách bạch khỏi hệ thống giữa cơ quan quản lý TGTG với CQĐT hình sự cùng cấp?
Ông Vinh đề xuất tách việc quản lý cơ sở TGTG tổ chức theo hệ thống mô hình dọc, giao công tác quản lý cho Tổng cục 8 (Bộ Công an) quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như hệ thống trại giam để đảm bảo tính độc lập, tránh việc CQĐT hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra, xác minh.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến, tình trạng chết trong quá trình TGTG do nhiều nguyên nhân, trong đó do tâm lý hoang mang của người bị TGTG, việc làm không đúng của cán bộ quản lý TGTG, TGTG không đúng quy định, giam chung nên có trường hợp bị “đại bàng” đánh…
Do đó, ĐB thấy Dự thảo cần tách quyền của người bị tạm giữ và người bị tạm giam để có chế độ giam giữ tương ứng, để hạn chế tình trạng tự sát trong quá trình TGTG. Còn ĐB Điểu K’rứ (Đắk Nông) đề nghị, nên bố trí giam giữ riêng người bị TGTG lâu ngày để tránh “ma cũ bắt nạt ma mới”.
Vấn đề rõ trách nhiệm của người ký quyết định giam chung một số đối tượng cũng cần làm rõ trong luật. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của người ký quyết định giam chung để xác định trách nhiệm có sự cố xảy ra trong buồng giam chung.
Bởi, theo Khoản 3 Điều 18 Dự thảo Luật, người bị TGTG có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng nếu là người đồng tính, người chuyển giới; người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định, đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị kết án tử hình nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc chờ thi hành án tử hình.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị không dùng từ “có thể” trong quy định này mà phải quy định “bắt buộc” bố trí giam giữ ở buồng riêng cho những đối tượng này để bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho họ và tránh những tiêu cực khác có thể xảy ra trong quá trình giam chung.