Tinh hoa Việt

Cội nguồn điệu múa Cơ Tu

TẠ ĐỨC (Nhà dân tộc học) 02/01/2024 09:16

Đến với người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam hay khi đến thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) du khách sẽ có dịp thưởng thức điệu múa nam - nữ cổ truyền Cơ Tu rất nổi tiếng thường được gọi là múa “Tung tung - da dá” hay “Vũ điệu dâng trời” quanh cột lễ trước cửa nhà Gươl - nhà làng của họ.

anh3.jpg
Điệu múa cổ truyền của người Cơ Tu.

Về tên gọi “Tung tung - da dá”, một cách lý giải dân gian cho rằng “Tung tung” trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn, vì thế đó là điệu múa mang tính mạnh mẽ, hùng dũng của nam giới; còn “Da dá” có nghĩa là thẳng hàng, đều đều, vì thế đó là điệu múa toát lên sự đằm thắm, chung thủy, yêu chồng, thương con của nữ giới.

Về tên gọi “Vũ điệu dâng trời”, nhiều người tin rằng nó bắt nguồn từ tư thế tay cơ bản của người nữ khi múa với hai bàn tay ngửa lên trời như đang dâng hiến lễ vật cho trời.

Thực ra, tên “Tung tung” được gọi theo tiếng trống, âm thanh chính tạo nhịp của điệu múa, còn tên “Da dá” có gốc từ Ya Ya, cặp từ láy của Ya, từ chỉ người đàn bà, mẹ, bà, bà tổ trong tiếng Cơ Tu cổ, giờ các biến thể của từ đó là: aye = bà, yaya = mẹ vợ/mẹ chồng. Tên gọi đó bắt nguồn từ biểu tượng Bà Tổ gắn với người múa là nữ trong điệu múa.

Một cái nhìn so sánh gần xa cho thấy tư thế tay của người múa nữ Cơ Tu tương tự tư thế tay của cả người múa nam và nữ trong điệu múa chim Hồng hoàng của người Zeliang ở Đông Bắc Ấn Độ, một nhóm có liên hệ cội nguồn với người Đông Sơn.

Đặc biệt, cả nam và nữ Zeliang đều cầm một chiếc lông chim Hồng hoàng ở tay phải, và tư thế tay trên được coi là mô phỏng tư thế bay của chim Hồng hoàng. Điệu múa chim Hồng hoàng cũng là điệu múa truyền thống nổi tiếng nhất của người Dayak ở đảo Kalimantan, Indonesia, một tộc người có tổ tiên là di dân Đông Sơn từ Việt Nam.

Trong tâm thức Dayak, chim Mỏ sừng là biểu tượng cho thế giới bên trên gắn với mặt trời. Vì thế, những người giàu có hay có cuộc sống tốt đẹp là con cháu của thần chim Hồng hoàng và được gọi là “người - chim Hồng hoàng”. Mặt khác, người Dayak coi loài chim đó là sứ giả của tổ tiên - thần linh từ trên trời cao mang các điềm báo linh nghiệm tới cho người.

Khi chim Hồng hoàng - loài chim thiêng về bay lượn trên bầu trời làng, họ coi đó là điềm lành cho cả làng. Họ cũng coi chim Hồng hoàng đực là tấm gương về lòng yêu vợ thương con, về tinh thần trách nhiệm với họ hàng làng xóm. Cùng với điệu múa chim Hồng hoàng, những quan niệm trên là dấu tích của tín ngưỡng vật tổ chim Hồng hoàng của người Dayak xưa.

anh2.jpg
Hình đôi chim Hồng hoàng trên đầu nóc một nhà Gươl Cơ Tu. Ảnh: Trần Tấn Vịnh.

Điều lý thú là các quan niệm đó của người Dayak cũng rất gần gũi với những quan niệm của người Cơ Tu về loài chim này. Cụ thể, trong tâm thức người Cơ Tu, Hồng hoàng là loài chim lớn, đẹp và thiêng nhất. Xưa, làng Cơ Tu có hình tròn hay bầu dục như một tổ chim Hồng hoàng, hình đôi chim trống - mái hòa hợp trên mái nhà Gươl - nhà làng là đôi chim bố - mẹ, hình các đôi chim trên nóc nhà của từng gia đình, quây quần xung quanh là đàn chim con.

Người Cơ Tu cũng kể, chim Hồng hoàng không ăn lúa mà chỉ thích ăn quả sung và quả đa - quả hai loại cây tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng. Thường thường, trước khi hạ cánh loài chim này thường lượn vài vòng và thích đậu trên những cây gạo cao vút hoa nở đỏ rực báo hiệu mùa mưa - mùa rẫy mới.

Từ đó, với người Cơ Tu, chim Hồng hoàng được coi là sứ giả của Thần Lúa - Mẹ Lúa dẫn người Cơ Tu đi tìm đất mới.

Những điểm gần gũi trong quan niệm về chim Hồng hoàng của người Cơ Tu và Dayak không hề ngẫu nhiên mà cùng bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ chim Hồng hoàng thời Đông Sơn.

Thời Đông Sơn, nếu cò trắng - chim Lạc là vật tổ biểu tượng của người trồng lúa vùng đồng bằng, thì chim Hồng hoàng hay Mỏ sừng là vật tổ biểu tượng của người làm nương rẫy vùng rừng núi. Điều này được thể hiện rõ ở một vành hoa văn trên mặt trống Ngọc Lũ.

Điệu múa chim vật tổ thời Đông Sơn cũng được thể hiện ở vành trong cùng trên mặt trống với hình các người - chim di chuyển từ trái sang phải theo hướng chuyển động ảo từ Đông sang Tây của Mặt Trời…

Là một tộc ít người sống ở vùng rừng sâu núi xa, người Cơ Tu còn bảo lưu khá tốt văn hóa cổ truyền của mình. Ngôi nhà Gươl - nhà làng Cơ Tu (tương tự nhà Rông hay đình làng Việt) với hình đôi chim Hồng hoàng ở hai đầu bờ nóc là một sự tổng hòa hai dạng nhà hình chim với bờ mái sống võng và nhà hình rùa có bờ mái sống lồi trên mặt trống đồng Đông Sơn.

Tiếp đó, điệu múa nam - nữ Cơ Tu nay về bản chất và cội nguồn chính là điệu múa chim - điệu múa thiêng thời Đông Sơn, trong đó con người mô phỏng hình hài, động tác của loài chim vật tổ để làm Bà Tổ vui lòng, từ đó con cháu sẽ nhận được nhiều tốt lành, may mắn.

Trải qua hàng ngàn năm, mỗi tộc người, con cháu Đông Sơn lại có một phiên bản điệu múa chim mang bản sắc văn hóa của tộc người mình. Bản sắc của điệu múa Cơ Tu chính nó đã tái hiện hay kể lại một câu chuyện về quá trình vợ - chồng chim Hồng hoàng cùng xây đắp tổ ấm và nuôi con, một quá trình khiến loài chim này trở thành một biểu tượng về tình nghĩa vợ chồng chung thủy, gia đình hạnh phúc.

Trong tự nhiên, thường sau khi thành vợ thành chồng, đôi chim Hồng hoàng cùng nhau tìm một hốc cây có hình tròn hay bầu dục, đủ an toàn và đủ rộng cho chim vợ và 1-2 chim con để làm tổ.

Trong việc làm tổ, chim vợ luôn khởi đầu và đóng vai trò chính. Nó dùng đất và thức ăn thừa làm nhỏ cửa hốc cây lại rồi sau đó chui vào trong, tự giam mình bằng cách đắp gần kín cửa hốc, chỉ để lại một khe nhỏ đủ để chim chồng đưa mỏ vào. Chim chồng cũng đi kiếm vật liệu giúp chim vợ hoàn thiện tổ. Rồi chim vợ ở trong tổ đẻ, ấp trứng, chăm con, thân rụng hết lông cho dễ xoay xở; còn chim chồng ở ngoài bay đi bay về kiếm thức ăn nuôi vợ con…

Trong điệu múa Cơ Tu, nam thể hiện chim chồng, nữ thể hiện chim vợ. Xưa, nam và nữ đều đội mũ cắm lông chim Hồng hoàng thật, nam giới còn cắm vào búi tóc răng nanh lợn rừng có hình giống mỏ chim. Nhưng nay do chim Hồng hoàng hiếm dần, chỉ còn người đi đầu đội mũ hay khăn cắm lông chim, đeo vòng có hình răng nanh thú, còn đa số phải đội vòng miện với lông chim giả làm bằng tre.

Hai quy tắc của điệu múa Cơ Tu là nữ luôn đi trước - múa trước, nam đi sau - múa sau; nữ luôn ở vòng trong, nam ở vòng ngoài. Quy tắc nữ trước - nam sau tái hiện quá trình làm tổ, chim Hồng hoàng vợ làm tổ trước rồi chim chồng làm theo. Quy tắc nữ múa vòng trong, nam múa vòng ngoài tái hiện quá trình làm tổ hình tròn, chim vợ ở trong tổ đẻ và nuôi con, chim chồng ở ngoài kiếm thức ăn nuôi vợ con và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vợ con. Trong khi múa, tư thế cơ bản người múa nữ với hai cẳng tay song song vuông góc với vai, bàn tay hơi ngửa lên trời thể hiện một dáng bay của chim. Nhưng động tác xoay mình chậm rãi hết sang phải rồi sang trái thể hiện vị thế phải xoay xở thụ động của chim vợ ở trong tổ, đối lập với động tác cơ bản của nam tay cầm khiên, tay cầm kiếm đưa lên xuống nhịp nhàng, chân nhảy chân sáo thể hiện vị thế tự do, chủ động của chim chồng ở bên ngoài.

Trong tiếng nhạc cồng chiêng, tù và sôi động, nam thỉnh thoảng cất tiếng hú vang rền thể hiện tiếng chim chồng gọi chim vợ.

Hiểu được cội nguồn và bản chất, tính biểu tượng và ý nghĩa của điệu múa truyền thống Cơ Tu, giờ đây, mỗi khi đến với người Cơ Tu, chúng ta sẽ có những cảm nhận sâu sắc và phong phú hơn về cả điệu múa lẫn nền văn hóa của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cội nguồn điệu múa Cơ Tu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO