Cơm hàng cháo chợ, người yêu nhau, phải xa nhau thì nghĩ lối ấy, vì nó diễn ra cùng những đau đáu nhớ thương mà thành thế. Chứ câu này các cụ nói là có ý rằng: Đám thân cư di, tức là mưu sinh trên đường, đám lữ thứ lấy dịch chuyển làm vui, làm nghiệp thì bao giờ chẳng cơm hàng cháo chợ…
Không phải bỗng dưng mà người ta nói ngôi nhà là “tổ ấm”. Nghe đã thấy yêu thương. Chúng có cả bầu trời cao rộng, tự do vời vợi suốt từ khi bình minh đến khi tối thẫm thì vẫn cần một khoảng riêng cho nhau, cho mình. Nơi những tin yêu, no ấm đủ sức vượt qua khốn khó, bão giông. Loài chim còn có tổ, hà cớ gì con người không có mái ấm. Cái tổ kia mùa đông có khi còn lạnh, nhiều mái nhà mùa mưa về còn lạnh ngắt.
Thế rồi, con chim vợ tha lá về bện tổ, con chim chồng tìm được thức ăn cũng bay về mớm cho vợ của nó. Những người có duyên phận cũng vậy, sau những tần tảo mưu sinh là giời đất cho yêu thương, hờn giận, cho ngày ngắn đêm dài để mà yêu mà trách. Để mà biết đi xa về gần, dành dụm, vun vén chăm sóc cho nhau khi mạnh khỏe, lúc ốm đau. Đành vẫn là ăn, nhưng ăn với nhau khác xa những cô đơn, thui thủi, khác xa cả những ồn ào, khách khí, đón tiếp chào mời. Nhưng như thế vẫn còn hơn cảnh “cơm hàng cháo chợ”, phiêu bạt bao giờ cho đến khi được về tổ ấm, được trông thấy nhau, được thấy mùi chăn gối quen thuộc rồi được ăn cơm lửa khói bếp nhà mình.
Cơm hàng cháo chợ, người yêu nhau, phải xa nhau thì nghĩ lối ấy, vì nó diễn ra cùng những đau đáu nhớ thương mà thành thế. Chứ câu này các cụ nói là có ý rằng: Đám thân cư di, tức là mưu sinh trên đường, đám lữ thứ lấy dịch chuyển làm vui, làm nghiệp thì bao giờ chẳng cơm hàng cháo chợ. Người ngoài thấy thế thì sốt ruột chứ ai tỏ tường được đám thiên di kia nghĩ gì.
Cơm hàng cháo chợ với đám thương lái xưa nay phong phú như lẽ đương nhiên, phải đến và đã được chấp nhận. Những quán hàng bên đường họ thuộc lòng món ăn, gia vị, có chỗ ngồi như ý, có người bưng bê hài lòng thì chẳng lý gì họ không trở lại.
Các cụ nói tỏ tường nhiều khi lại không tốt, có lẽ đúng. Vì ăn cơm ấy mãi thành thân quen, quen hương vị món lại quen hơi người nấu. Thế rồi ngại đường xa, dẫu là trở về nhà mình, cái cột xa ai mà biết những chái, những chòi, là mọc thêm chứ ai dỡ bỏ bao giờ. Đám cơm hàng cháo chợ kháo nhau rồi theo nhau. Người kiên định không như thế được dăm năm, bảy năm nhưng bảo cun cút về ăn cơm nhà không le ve bữa nào cũng khó.
Cái cảnh cơm hàng cháo chợ, rượu thịt nóng và say thường khôn lường. Với người từng trải thì chuyện của mình hay thiên hạ thì cứ biết đậy điệm cho kín, đừng để bà cả làm toáng lên thì có khi lại mất tất.
Có thời kỳ, đụng vào việc gì cũng sợ bị coi là dân buôn lậu, bắt bớ. Cán bộ ăn gạo sổ thì gạo mốc, gạo hẩm. Nông dân vào hợp tác xã thì tính công điểm đổi thóc cũng đói. Từ anh trí thức kính gọng vàng cho đến bà nông dân áo ướt dính người thì cũng đều đói và thèm khát từ cái soong quấy bột đến cái chậu nhôm Liên Xô, cái quạt 35 đồng hết... Chỉ có cánh xế tải là được trọng vọng. Gớm, đời lại có cái nghề gì mà sướng thế. Được đi đây đi đó, miếng ngon ăn vào mồm, hàng hóa thì đầy xe, từ lái xe đến áp tải hàng đều sang trọng cả.
Đành vẫn là ăn, nhưng ăn với nhau khác xa những cô đơn, thui thủi, khác xa cả những ồn ào, khách khí, đón tiếp chào mời. Nhưng như thế vẫn còn hơn cảnh “cơm hàng cháo chợ”, phiêu bạt bao giờ cho đến khi được về tổ ấm, được trông thấy nhau, được thấy mùi chăn gối quen thuộc rồi được ăn cơm lửa khói bếp nhà mình.
Quốc lộ vắng, xe bon bon. Quán hàng từ xa nghe tiếng còi bà chủ đã phải chải lại tóc, nhắc nhân viên sắp bát đũa. Quán hàng thơm phưng phức những mỡ hành, miếng ngon nhất bao giờ cũng phải phần khách sộp. Chủ quán cấm có mà làm được việc gì khác ngoài việc phục vụ mâm này.
Chặng này, chặng sau đều có quán cơm, nếu không khéo người ta lên quán sau, hay ra thị xã có mà mất. Mất đôi suất ăn không quan trọng bằng mất sự xởi lởi của lái xe hay áp tải hàng. Gì chứ dăm hộp kem giặt, dăm mét áo mưa, hộp sữa ông thọ... toàn những thứ quý đều được dúi làm quà ngay.
Bến phà qua sông hồi ấy chủ quán là một cô gái còn son. Người đâu mà đẹp. Da trắng, tóc đen, môi đỏ, má lại hồng ửng. Tóc không cặp mà lại búi cao, vài sợ tóc trên gáy không hiểu là vô tình hay cố ý mà duyên lắm. Tay con gái trắng ngần, tròn lẳn. Đám lái xe đường dài vây lấy, được nắm tay đã khó ai dám mơ gối đầu lên cánh tay ấy. Thế rồi, hoa cũng có chủ. Nàng làm dâu mãi tận miền Trung. Cầu xây, quán dẹp. Cánh lái xe đường dài vẫn nhớ đến sắc đẹp của nàng và quên khuấy mấy món thông thường ngày ấy.
Hết bao cấp, kinh tế thị trường mở ra, hàng quán cũng bung khắp phố cùng đường. Cơm hàng cháo chợ như lẽ đương nhiên. Cơm bình dân mùi nước mắm, mùi chả lá lốt, cá kho, rau xào lọng óc. Người ta chọn cơm hàng cho tiện, đường xa không phải bóp mồm bóp miệng làm gì, chẳng mấy khi đổi gió ăn bữa cơm hàng để thấy thiên hạ đổi mới, phát triển, để thấy mình không bị lỗi thời. Cái khăn mát lạnh, thơm phưng phức lau mặt xong ăn cũng tỉnh người.
Bữa trưa anh chị em không còn mang cơm đi túm tụm ăn nữa, mà kéo nhau đi ăn cơm bình dân. Cơm ăn xong lại làm cốc trà ngoài quán cóc, trên đường về văn phòng công sở người bán hoa quả gọt sẵn lại gọi ời ời, cũng sà vào mua. Người nhất định không muốn ăn uống bên ngoài sợ không đảm bảo vệ sinh, sợ tốn kém dần dà cũng phải nhập hội. Và thế là mọi người đã tự nguyện dấn thân vào cái cảnh cơm hàng cháo chợ đấy thôi.
Cánh anh em đương nhiên không vì đón đưa vợ hay con thì cũng nhập hội nhiệt tình. Từ đĩa cơm trưa đủ no cho đến cả bom bia ăn qua trưa đến chiều cũng có hết. Nếu trưa bận thì có khi 4 giờ đã tấp tểnh ra quán vì hội nhóm hẹn hò. Lưng lửng dạ bia thì cơm cháo ở nhà ngon mấy cũng chỉ là ăn thêm. Đàn bà quen dần hoặc ấm ức mỗi ngày theo hoàn cảnh của mình. Chả ai nghĩ được sự hấp dẫn vô biên của cơm hàng, nó thắng thế bếp nhà mạnh mẽ kiểu thừa thắng xông lên đến thế.