Quốc hội

Còn nể nang trong phân vốn xây dựng cơ bản, đầu tư công

Việt Thắng 07/06/2024 10:27

Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

z5515016683917_a94d085652799b7d76b3e104f4ed942c.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội)

Theo ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội), nhiều chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này dẫn đến tình trạng cách bố trí vốn, phân bổ vốn chưa chú trọng đến xử lý nợ xây dựng cơ bản, mặc dù đây là một trong những nguyên tắc phải được ưu tiên.

Bà Mai cho rằng, phân bổ vốn có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ, cũng như còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong phân vốn xây dựng cơ bản, đầu tư công. Chúng ta xác nhận có số nợ nhưng không ưu tiên phân loại, chú trọng vào phân loại những nội dung nào thuộc trách nhiệm của nhà nước, thuộc trách nhiệm của các bộ, ban ngành, Chính phủ, của Quốc hội để bố trí vốn, có nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương. Có những vấn đề đi giám sát thấy rằng không phải khoản nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có cả trách nhiệm của trung ương. Do đó cần giải trình rõ báo cáo nội dung này trước Quốc hội vì đây là vấn đề đang tái diễn trở lại bức tranh từ năm 2015 trở về trước khi nợ về xây dựng cơ bản là rất nghiêm trọng. Khi sửa Luật Đầu tư công năm 2014 đã đưa vào hành vi cấm. Nên đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ và làm rõ trách nhiệm. Nếu không làm rõ trách nhiệm sẽ tái diễn vấn đề này. “Chúng ta không thể bỏ qua những điều mà chúng ta đã ghi vào luật, nếu không pháp luật có những điều khoản không được thực thi một cách đầy đủ và không nghiêm túc”-bà Mai nói.

z5515016640502_eaf1f856673b787870e89f43842a53e7.jpg
Bà Đỗ Thị Lan phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập.

Bà Lan chỉ rõ, số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách. Đặc biệt số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ đồng, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ đòngo. Như vậy giảm nhiều so với dự toán.

Từ phân tích trên, bà Lan nhìn nhận rằng, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau.

“Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn”-bà Lan nói.

Bên cạnh đó, theo bà Lan có một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao. Số chuyển nguồn sang năm sau rất lớn, quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt trên 71%, chi thường xuyên không đạt dự toán, số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 rất lớn và tăng nhiều so với năm 2021. Chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 56,9% dự toán. Chi cho y tế, gia đình chỉ đạt trên 43%. Những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm. Nên cần có giải pháp để khắc phục.

z5515016677545_d8c1e55f3e3030ef502aeb6999394b55.jpg
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Giải trình về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023 trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.

Theo ông Phớc, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề chuyển nguồn, ông Phớc cho rằng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm để số chuyển nguồn giảm đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nể nang trong phân vốn xây dựng cơ bản, đầu tư công