Hiệp hội Thương mại Mỹ đã chính thức đưa ra kêu gọi giới chức nước này ban hành các quy định kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI). Mục đích là để các công nghệ này không ảnh hưởng đến tăng trưởng hoặc trở thành rủi ro an ninh.
Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp phải nhanh chóng tăng cường nỗ lực để thiết lập một khuôn khổ pháp lý nhằm đảm bảo AI được triển khai một cách có trách nhiệm. Trong khi vai trò của AI trong cuộc sống ngày càng rõ rệt: Bổ sung khoảng 13 nghìn tỷ USD tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030.
Trong một diễn biến liên quan, Neuralink - Công ty công nghệ trung tâm của tỉ phú Elon Musk đã vấp phải rào cản lớn khi bị từ chối cấp phép thử nghiệm cấy chip lên não người. Theo đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bác đơn đăng ký thử nghiệm lâm sàng cấy chip vào não người của công ty Neuralink. FDA cho rằng thử nghiệm ghép chip vào não con người của Neuralink là không an toàn; các sợi nhỏ liên kết chip với não của người có thể di chuyển, làm thay đổi chức năng não, gây viêm nhiễm, vỡ mạch máu và làm hỏng các mô.
Mối quan tâm chính của FDA là pin lithium của thiết bị. FDA không tin hệ thống pin hoạt động bình thường bên trong não và Neuralink phải chứng minh thiết bị của họ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tương tự như pin lithium cung cấp năng lượng cho xe điện Tesla, trong trường hợp bị đốt cháy hàng giờ ở nhiệt độ 1.600 độ C, nếu bị tác động sai cách, pin lithium trong chip của Neuralink có thể gây tổn thương não.
Trước đây, khi giới thiệu về công nghệ cấy chip vào não, tỉ phú Musk tự hào rằng Neuralink an toàn đến mức ông có thể dùng công nghệ này cho các con của mình. Mục đích sử dụng của công nghệ này là khôi phục khả năng vận động hoàn toàn cho người bị liệt, đặc biệt là giúp họ sử dụng văn bản trên máy vi tính để giao tiếp.
Tới nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được coi là bước đi thần tốc của công nghệ. Tuy nhiên nó cũng lại bị coi là mối đe dọa đối với nhân loại. ChatGPT sẽ còn tiếp tục gây sốt toàn cầu khi mà chỉ mất 8 phút để viết xong một phóng sự. ChatGPT còn được coi là một AI có khả năng “biết tuốt” mà trước đó không một nền tảng công nghệ nào “dám nghĩ tới”.
Giới công nghệ đặt câu hỏi: Trí tuệ nhân tạo có thể đi xa đến đâu và con người có thể làm gì để công nghệ không vượt quá khả năng kiểm soát?
Người nhiệt thành với AI, ông Dan Scarfe (Đại học Barcelona, Tây Ban Nha) cho biết: “Những người khiếm thính nói với tôi rằng họ có thể bị cô lập ngay trong chính gia đình, bạn bè hay trong môi trường làm việc và không thể tham gia đầy đủ vào cuộc trò chuyện vì họ không thể theo dõi mọi thứ đang diễn ra. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ có thể xem những gì mọi người đang nói. Thiết bị đeo có thể hiển thị câu trả lời gần như ngay lập tức cho các câu hỏi, hoặc tạo ra một bản tóm tắt bằng văn bản về các cuộc trò chuyện”.
Trong khi đó, Công ty Pháp Talkr.ai đã phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng trò chuyện như người thật thay vì chỉ biết trả lời những câu hỏi cụ thể. Chatbot của họ có thể gọi cho khách hàng, lên kế hoạch giao hàng cho khách, thu tiền qua điện thoại hay sắp xếp các cuộc hẹn với khách hàng.
Bà Katya Laine - Giám đốc điều hành Talkr.ai khẳng định, chatbot của họ nhanh hơn gấp 60 lần so với đánh máy. “Với vật bất ly thân hiện nay là chiếc điện thoại thông minh thì cũng đến từ trí tuệ nhân tạo. Đó là xu hướng không thể cưỡng lại” - bà Laine nói và dẫn chứng thêm một bác sĩ X-quang thông thường mất từ 10 tới 30 phút để đánh giá một bản chụp cắt lớp khi sàng lọc các khối u, thì trí tuệ nhân tạo chỉ cần vài giây.
Thuật ngữ “con người kỹ thuật số” - thế hệ tương lai của chatbot AI - đã bắt đầu được đề cập sau khi ChatGPT ra đời.
GS Alan Dennis (Đại học Indiana, Mỹ) nhận định: “Con người kỹ thuật số đầu tiên sẽ thay thế chatbot trò chuyện. Loại người kỹ thuật số khác là một trợ lý cá nhân”. Tuy nhiên, cũng như bà Myriam Dubois Monkachi - Giám đốc phụ trách học thuật (Học viện Science Po Paris, Pháp), GS Dennis cho rằng phải giới hạn sử dụng trí thông minh nhân tạo để mở rộng khuôn khổ về tính trung thực nói chung.
Còn theo GS Saurabh Bagchi (Đại học Purdue, Mỹ), một trong những hạn chế lớn nhất của ChatGPT là công cụ có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực ra lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Ứng dụng phụ thuộc rất lớn vào mức độ chính xác của nội dung cập nhật nguồn dữ liệu được nạp vào để huấn luyện trí tuệ nhân tạo. “Vì thế, vừa tạo ra chúng nhưng lại phải kiểm soát chúng, nếu không chúng ta sẽ bị chúng thao túng” - GS Bagchi nói.
Phạm sai lầm với Chat GPT
Greg Brockman - Chủ tịch OpenAI, nói công ty “đang phạm sai lầm” với ChatGPT. Trước đó, tỉ phú Elon Musk (một trong những nhà đồng sáng lập OpenAI) chỉ trích OpenAI khi cho rằng “huấn luyện một AI nói dối là vấn đề chết người”. Trên tờ The Information, Brockman thừa nhận đã phạm sai lầm khi đã không trù liệu hết hậu quả có thể có đối với người sử dụng chatGPT. ChatGPT được coi là một trong những đột phá công nghệ lớn nhất hiện thời khi nó đã phả hơi nóng vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo, buộc các ông lớn công nghệ phải hành động. Tuy nhiên Sam Altman - CEO OpenAI, cũng cho biết kết quả đầu ra của ChatGPT chứa nhiều lỗi, “nó biết rất nhiều, nhưng điều nguy hiểm là nó quá tự tin để có thể bịa ra sự thật”.