Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022

T.Hằng 12/04/2023 07:19

Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022.

Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp (DN) trong đó có 10.590 DN tư nhân và 1.282 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Ban tổ chức, kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt DN tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Báo cáo PCI năm 2022 cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng. Riêng Quảng Ninh đã 6 năm liên tiếp dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI. Cũng vào năm 2022 là lần đầu tiên, tỉnh Bắc Giang xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng (thứ 2). Hà Nội xếp thứ 20, còn TPHCM xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng.

Bên cạnh các chỉ số cạnh tranh, kết quả khảo sát PCI 2022 cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà DN đã và đang gặp phải, trong đó, tiếp cận tín dụng được cho là vấn đề hàng đầu.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, tỷ lệ DN tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ DN có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%, đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ DN có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% DN đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ DN đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021 và đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.

Theo ông Tuấn, trở ngại lớn nhất là việc DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Cùng với đó là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022. Trường hợp không thể vay vốn từ các ngân hàng, DN phải xoay xở vốn từ nguồn khác để kinh doanh. Trong năm 2022 có tới 75,5% DN vay mượn từ người thân, bạn bè. Có 24,3% DN tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ DN hoặc cầm cố, bán tài sản của DN. Và đáng lo ngại hơn cả là có tới 12,5% DN đã phải xoay sang vay tín dụng đen, với lãi suất trung bình của các khoản vay tín dụng đen là khoảng 46,5%/năm cao gấp 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.

Cũng tại buổi công bố PCI 2022, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều DN và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các DN cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.

Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều DN gặp phải nhất (60,81%). Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29.15%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO