Công bố chỉ số PCI 2016: Phí 'bôi trơn' vẫn đeo bám

Minh Phương 15/03/2017 10:15

Sáng 14/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương (PCI) 2016. Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp giữ ngôi đầu, trong khi Hà Nội đã vươn lên vị trí 14, còn TP HCM xếp thứ 8, giảm 2 bậc so với năm ngoái.

Kết quả PCI 2016 cho thấy những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh.

Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp dẫn ngôi đầu

Theo kết quả được công bố, Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt và ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố. Vị trí này cải thiện 10 bậc so với bảng xếp hạng PCI năm ngoái.

Những nỗ lực của Hà Nội được cộng đồng ghi nhận nhiều nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức, lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm so với 2015.

Cụ thể, 53% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng 4% so với năm 2015 và 15% so với cách đây 2 năm. Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi PCI được công bố. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ hai với 65,60 điểm, kế tiếp là Đồng Tháp 64,96 điểm.

Năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc cùng với Lào Cai (63,49 điểm).

Các tỉnh, thành khác như Thái Nguyên, TP HCM, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các DN dân doanh về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. TP HCM xếp thứ 8 với 61,72 điểm, giảm 2 bậc so với năm ngoái.

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, kết quả PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Năm vừa qua, 65% DN hoạt động có lãi, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, ở mức 18,1 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với quy mô năm 2006 (7,5 tỷ đồng). Tỷ lệ DN tuyển thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016.

Về kết quả điều tra các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 11% DN tiết lộ đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức cao nhất trong 5 năm qua. Hơn một nửa DN tham gia khảo sát (khoảng 800 DN) có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu cải thiện

Kết quả báo báo cáo chỉ số PCI 2017 của VCCI cũng nêu lên những điểm cải thiện của môi trường kinh doanh khiến cho sự gia tăng số lượng DN ngày một nhiều lên.

Trong đó phải kể đến sự cải thiện của chính sách, thủ tục hành chính. Cụ thể, nếu năm 2006, một DN trung bình phải mất đến 20 ngày để đăng ký thành lập DN thì nay chỉ mất 7 ngày, đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI. Tỷ lệ DN phải chờ hơn một tháng để chính thức đi vào hoạt động giảm hẳn một nửa, từ 26% xuống còn 13%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, mặc dù có những điểm khởi sắc về thủ tục hành chính, song chỉ số về chi phí không chính thức vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.

Theo đó, trong năm 2016, có khoảng 66% DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15% so với giai đoạn 2008-2013. 9%-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Phía các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khoảng 25% các DN FDI thừa nhận, họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh để có được các hợp đồng của cơ quan nhà nước. 49% DN cho biết, đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan.

Ngoài ra, DN cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn còn phổ biến. “Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn là chỉ số cao so với giai đoạn trước đó (2006-2012)”- TS Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Theo ông Mạc Quốc Anh- Chủ tịch Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội, mặc dù năm nay, chỉ số về chi phí không chính thức đã giảm 5%, song vẫn phản ánh thực tế rằng, chi phí không chính thức, chi phí “bôi trơn” vẫn đang hiện hữu trong môi trường kinh doanh.

Chỉ số này sẽ giúp Chính phủ quyết liệt hơn trong các động thái nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới. “Bởi, nếu môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại các chi phí không chính thức, sẽ làm gây tác động xấu đến hình ảnh của các địa phương, đặc biệt là người lãnh đạo địa phương đó. Và chắc chắn những địa phương còn tồn tại chỉ số này lớn thì sẽ khó thu hút đầu tư”- ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Theo phản ánh của lãnh đạo các địa phương, chỉ số PCI không phải là cuộc tranh đua thứ hạng giữa các tỉnh mà từ chỉ số này, các địa phương “soi” vào đó để có những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Xuân Anh- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng:

Chúng tôi nỗ lực không phải vì một giải thưởng nào cả. Lãnh đạo Thành phố luôn cố gắng để cộng đồng DN đến kinh doanh làm ăn có sự thuận lợi, có niềm tin vào lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng coi sự thành công của DN là sự thành công của chính mình, tạo niềm tin cho DN khi đến với thành phố, bởi niềm tin là rất quan trọng. Còn hai vấn đề chúng tôi vẫn trăn trở đó là tính minh bạch và sự cạnh tranh bình đẳng. Thành phố sẽ tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới, để cải thiện các điểm số này. Hiện nay, chỉ số này của Đà Nẵng vẫn còn khá thấp và thành phố sẽ cần phải cải thiện nhiều trong thời gian tới.

Ông Vũ Hồng Bắc- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên:

PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương thông qua cảm nhận của các DN đang hoạt động tại tỉnh, không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách hay dự định của tỉnh. Bởi vậy, lắng nghe kiến nghị, đề xuất, tham vấn của cộng đồng DN là một trong những hướng đi ngắn nhất để cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Đinh Văn Thu- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Với tỉnh Quảng Nam, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, chúng tôi không hướng vào thứ hạng mà coi đây chính là mốc để hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy, nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố chỉ số PCI 2016: Phí 'bôi trơn' vẫn đeo bám

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO