Chiều 31/3, Bộ GDĐT đã ban hành các công văn Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 ở các cấp Tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, nội dung từng môn học ở các cấp đã được điều chỉnh phù hợp với lịch nghỉ học để phòng chống Covid- 19.
Chương trình Học kỳ II năm học 2019-2020 được giảm tải ở các cấp học. Ảnh: Quang Vinh.
Công văn ra đời trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để công tác dạy - học phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh.
Giảm tải 9 môn cấp Tiểu học
Bộ GDĐT cho biết tất cả 9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung giảng dạy của học kỳ II. Cụ thể 9 môn học được điều chỉnh nội dung dạy của học kỳ II, gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Thủ công/ Kỹ thuật, Thể dục.
Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần dạy học của chương trình, để đảm bảo các nhà trường thuận lợi trong triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.
Các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình sẽ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao. Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải. Một số bài học được chuyển thành tự chọn, tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học. Các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề.
Hướng dẫn của Bộ GDĐT lưu ý đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ trình độ học sinh và giáo viên, nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt lớp 1 chắc chắn. Công văn nêu rõ: “Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2”.
Bộ GDĐT hướng dẫn một số địa phương dừng việc thực hiện điều tra, tìm hiểu, đòi hỏi tiếp xúc động vật ở một số môn học, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Với các thí nghiệm yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm có thể thay bằng giáo viên tiến hành thí nghiệm chung trước lớp và yêu cầu học sinh tích cực tham gia xây dựng kiến thức. Một số thí nghiệm đơn giản, giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà. Môn Lịch sử và Địa lý, các bài học và nội dung tự chọn, Bộ GDĐT hướng các trường căn cứ quỹ thời gian của học kì II, đặc điểm vùng miền, đặc điểm học sinh và nhà trường, để quyết định thực hiện một trong các phương án: Không dạy học bài tự chọn; dạy học bài tự chọn nhưng rà soát, tinh giản, tổ chức thành bài đọc thêm cho học sinh có hướng dẫn của giáo viên. Nhà trường ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn bắt buộc theo chương trình và tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, tăng cường hình thức dạy học từ xa. Nhà trường không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt, bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học.
Tinh giản nội dung 14 môn bậc Trung học
Ở bậc THCS và THPT, Bộ GDTĐ cũng ban hành công văn kèm Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 của 14 môn học.
Cụ thể các môn học gồm: Công nghệ, Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiến Trung, Tin học, Toán và Vật lý.
Công văn của Bộ GDĐT ghi rõ việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học các môn cho phù hợp với thời gian còn lại của năm học 2019-2020. Theo đó, đối với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào nội dung Công văn này để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù môn học. Đối với các môn học Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)” theo hướng dẫn tại công văn vừa ban hành.
Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục Trung học thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn tại công văn này, đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện công văn trước đó về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có góp ý thêm hoặc có vướng mắc, đề nghị Sở GDĐT báo cáo về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) bằng văn bản và qua email để kịp thời giải quyết.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT: Nguyên tắc tinh giản là bảo đảm kiến thức cơ bản, nền tảng theo chương trình để bảo đảm học sinh đủ năng lực học tiếp ở các lớp học sau. Đồng thời, không dạy, không làm, không thực hiện hoặc khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự thực hiện những nội dung thực hành, thí nghiệm (nếu là những nội dung dùng dụng cụ thông thường, đơn giản); những bài tập mang tính luyện tập, nâng cao mà kĩ năng đã có thể hình thành qua các bài tập khác trong cùng chủ đề, bài học; một số nội dung mang tính mở rộng, vận dụng thực tiễn có thể được tích hợp trong các bài học khác trong chương trình.