Sáng 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố 7 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua.
Tại buổi họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật mới được Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cư trú, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Giới thiệu về Luật Cư trú, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006.
Trong đó, điểm mới của Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ tại Điều 4 về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú.
Trong đó quy định mới trường hợp hạn chế đối với người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho công đồng; Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; Địa điểm, khu vực, địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Luật đã bỏ toàn bộ các thủ tục về cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục tách sổ hộ khẩu. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú.
Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại này nên thời hạn giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Nếu như hiện nay, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo Luật mới tối đa là 7 ngày.
“Luật quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể, là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú…” Thiếu tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Thông tin về Luật Biên phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm tăng cường hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng bộ đội biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Luật Biên phòng Việt Nam xác định rõ vị trí, chức năng của Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
Có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng. Thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Trình bày về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho hay, Luật có nhiều diểm đổi mới căn bản, bao gồm: lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát phản biện, đồng thời được đảm bảo quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu trí môi trường. Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Phân cấp mạnh cho địa phương.