Tinh hoa Việt

Công chúng phản ánh thực tế điện ảnh

Việt Quỳnh (thực hiện) 18/04/2024 09:56

“Giải thưởng tại Cannes đã nói lên đánh giá của ban giám khảo đối với công việc đạo diễn của anh Trần Anh Hùng. Cannes là một liên hoan phim mà tiêu chí của họ luôn rất đặc biệt, giải thưởng của họ cũng luôn gây tranh cãi, chính vì thế phim của anh Trần Anh Hùng gây tranh cãi cũng là bình thường”, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ.

nb-nguyen-my-linh-2(1).jpeg
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh.

Nhìn nhận đôi điều về bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Pháp, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh bày tỏ: “Bạn có thể hình dung được không, ngay giữa đại dịch Covid-19 mà năm 2020 Pháp vẫn sản xuất 200 phim, thế thì đừng chờ đợi phim có hiệu ứng lớn như ở Việt Nam. Cho công chúng một nước mà tuần nào cũng có vài ba phim mới ra rạp, với đủ loại đề tài và chất lượng khác nhau, việc chia đều mối quan tâm cho các tác phẩm là thường thấy. Theo quan sát của tôi, phim của Trần Anh Hùng lại gây tranh luận. Ai thích thì rất thích, ai chê thì rất chê. Làm phim ở một nước mà năm vài trăm phim, có người nhắc đến để tranh luận là quý rồi, không rơi tõm vào không trung như số phận của nhiều phim khác cũng đã là mừng”.

Tuy nhiên, bộ phim lại không nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ công chúng Việt Nam, thưa chị?

- Tôi nghĩ thế cũng là rất bình thường. Các nhà chuyên môn ngành phê bình phim của chúng ta mạnh không? Việc nhiều người khen kiểu chung chung “tài năng quá, phim quay đẹp quá”, còn công chúng không hưởng ứng nó cho thấy đúng thực trạng ngành phê bình cũng như công chúng điện ảnh ở ta. Cá nhân tôi thì thấy khen chung chung không trúng thì còn “kính chẳng bõ phiền”, hơn là im lặng thậm chí chê mà đúng.

Công chúng thì chưa quen với sự đa dạng của điện ảnh, cũng không có thói quen ra rạp xem một phim mình biết chắc là không dễ xem, thậm chí có thể không thích nên việc họ không hưởng ứng cũng chả có gì ngạc nhiên. Ngay cả ở Pháp cũng vậy thôi, cũng có những bài điểm phim bé bằng phong chocolate, khen chê nhạt nhẽo kiểu kể nội dung kèm một hai câu bình. Chỉ có điều họ khen chê trực diện hơn ta.

Khi nào mà rạp chiếu phim của chúng ta được lấp đầy bởi đủ thể loại, ngành phê bình điện ảnh của ta phát triển, các nhà phê bình của ta phê bình vì sự phát triển của nền điện ảnh chứ không vì yêu ghét cá nhân, công chúng của ta chịu khó ra rạp xem đủ các thể loại phim vì mong muốn hiểu biết chứ không đơn thuần để giải trí thì lúc ấy mọi ý kiến và đánh giá mới thực sự xác đáng.

Rõ ràng, với các bộ phim đề tài bình dân, công chúng Việt Nam lại quan tâm hơn nhiều?

- Cũng dễ hiểu nốt (cười). Khi mà việc xem phim để giải trí một cách đơn thuần là nhu cầu của phần lớn xã hội thì họ chọn thế cũng đúng thôi mà. Đi làm về mệt, cuộc sống nhiều áp lực chọn cái gì không đau đầu mà xem, mắc mớ gì xem thứ mình thấy xa vời với hiểu biết cũng như khẩu vị? Tôi đang diễn ngôn ra suy nghĩ của nhiều người, đúng vậy không?

Công chúng phản ánh thực tế của xã hội và thực tế của ngành điện ảnh. Thực tế xã hội là công chúng chưa quen và chưa có nhu cầu được xem những tác phẩm khiến họ phải suy nghĩ về thủ pháp, về xu hướng. Thực tế ngành điện ảnh là ít những phim không bình dân trong ngôn ngữ thể hiện mà lại hay với người bình dân, cũng như chưa có nhiều nhà phê bình phim giỏi, độc lập để đưa ra những lời khen chê không có mùi PR hay đánh đập thái quá.

Như vậy có thể thấy các vấn đề trong thưởng thức điện ảnh của công chúng?

- Tôi nghĩ nó là vấn đề thuộc về dân trí cũng như đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia. Quốc gia mà dân chúng không dữ dội thì nhạc cũng hiền hòa pop vui tai là chính, rock không thể phát triển như Anh, phim tài liệu chả bao giờ khó xem và đặc biệt như Đức, kịch biểu hiện không bao giờ có đất sống.

Công chúng Việt nam giờ đã thưởng thức điện ảnh khó tính hơn trước nhưng cá nhân tôi thấy vẫn chưa đa dạng, vừa do đặc tính vừa do thói quen hưởng thụ văn hóa thích sự nhẹ nhõm hiền hòa, hơi sến sến càng thích (cười). Tôi nghĩ khi đời sống cao hơn, dân trí cao hơn, thói quen xem thứ mình không thích chỉ để cho biết nhiều hơn thì cách xem của người Việt sẽ khác. Tất nhiên, cần cả vai trò của các nhà phê bình rất độc lập. Lạnh lùng không yêu ghét.

Vậy việc nâng cao thị hiếu cũng như trình độ thưởng thức của công chúng Việt Nam là cần thiết, thưa chị?

- Khi văn hóa nghệ thuật được đặt đúng chỗ của nó, được coi là quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia và góp phần làm cân bằng tâm thế xã hội thì lúc ấy mới có những công dân có nền tảng văn hóa tốt và thị hiếu tiệm cận với thẩm mỹ tốt. Thực tế thế giới cho thấy chẳng có con đường nào khác và cũng cho thấy sức mạnh của văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng với thương hiệu của một quốc gia, trong việc tạo ảnh hưởng tới các nền văn hóa và quốc gia khác.

Tháng 5 tới, tiếp tục một mùa Liên hoan phim Cannes, chị có những mong chờ gì với điện ảnh Việt Nam?

- Năm nay tôi không chờ đợi gì, vì theo như tôi biết tại thời điểm này chúng ta không có phim nào gửi đi được vào vòng trong. Có một bộ phim tên gọi là “Trong căn bếp của Nguyễn” do đạo diễn Stephan Lý Cường làm thì chắc không được Cannes chọn.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chúng phản ánh thực tế điện ảnh