Cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu

Thu Hương 17/12/2015 07:00

Ngày 16/12 tại Hà Nội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức họp báo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu (BĐKH) cho biết: “Sau hai tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kéo dài suốt đêm trong giai đoạn nước rút, vào lúc 19h28’ (giờ Paris) ngày 12/12 đại diện của 195 nước tham dự Hội nghị COP21 đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris. Đây là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do BĐKH, theo đánh giá ban đầu, Thỏa thuận Paris đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó BĐKH”.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng đoàn Đàm phán cho biết về những trở ngại chính để đạt được Thỏa thuận đó là trách nhiệm mang tính ràng buộc pháp lý đối với các nước phát triển trong đóng góp tài chính xử lý vấn đề BĐKH. Trách nhiệm của các nước đang phát triển trong đóng góp tài chính xử lý vấn đề BĐKH? Sự phân chia trách nhiệm đóng góp chống BĐKH dựa trên điều kiện hiện nay của quốc gia hay kết hợp với trách nhiệm phát thải trong quá khứ? Nên để mục tiêu nhiệt độ là dưới 1,5oC vào cuối thế kỷ hay giữa 1,5oC và 2oC? Liệu các nước nghèo và dễ bị tổn thương có quyền đòi bồi thường cho những tổn thất họ phải gánh chịu do BĐKH? Làm thế nào để phân biệt nước dễ bị tổn thương hay chịu nhiều tác động của BĐKH?

Với những nỗ lực của đoàn Việt Nam, chúng ta đã đạt được một số điểm chính về thích ứng và tổn thất, thiệt hại. Đó là vấn đề thích ứng phải được coi trọng tương đương với vấn đề giảm nhẹ. Thích ứng BĐKH từ các nước đang phát triển phải nhận được hỗ trợ từ các quốc gia phát triển. Tổn thất và thiệt hại phải được phản ánh trong Thoả thuận thành một điều riêng….

Các bước tiếp theo của Việt Nam cần phải làm đó là: Làm các thủ tục pháp lý để phê chuẩn Thỏa thuận Paris trước 21/4/2017; Tiếp tục tham gia đàm phán các nội dung kỹ thuật và xây dựng hướng dẫn quốc tế; Chuẩn bị điều kiện pháp lý, tổ chức các cấp, hướng dẫn kỹ thuật để triển khai thực hiện từ 2020 cùng với các nội dung mang tính tự nguyện trước 2020; Chuẩn bị và xây dựng Hệ thống minh bạch theo hướng dẫn của UNFCCC cho hoạt động ứng phó BĐKH trước và sau 2020…

“Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới, cũng là những thách thức lớn. Đó là làm sao để cùng các nước thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Điều đó cần một kế hoạch thực hiện cụ thể với sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, bộ ngành” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu