Cống hiến thầm lặng của một cựu chiến binh

NGỌC ANH 07/05/2023 09:02

Đã 48 mùa xuân trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, những người lính trong thời chiến nay đã có tuổi nhưng họ vẫn tiếp tục thầm lặng cống hiến cho sự phát triển của đất nước, trong đó có cựu chiến binh Đàm Duy Thiên.

Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội.

Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên quê gốc Nghệ Tĩnh, nhưng lớn lên tại tỉnh Quảng Bình. Theo lời kể của người con trai xứ Nghệ, khi đang là học sinh trung học phổ thông, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá trên đất liền nước ta bằng cả máy bay, tàu chiến, ông quyết định gác lại giấc mơ trở thành bác sĩ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để lên đường vào tham gia chiến dịch Xuân Lộc.

Trận chiến Xuân Lộc là Chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra vào tháng 4 năm 1975 giữa Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Theo lời kể lại của ông về ký ức năm 1975, Xuân Lộc là “một mắt xích quan trọng quyết phải giữ”, là “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn nên địch tổ chức tuyến phòng thủ dày đặc kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh. Có thể nói Xuân Lộc là trận chiến vô cùng quan trọng trước khi tiến tới sự kiện 30/4/1975.

Lúc bấy giờ, dưới làn mưa bom bão đạn, ông Thiên đã âm thầm thực hiện một nhiệm vụ được Sư đoàn 341 - Sông Lam giao phó là vẽ bản đồ tác chiến tấn công vào Xuân Lộc, mở đường cho đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Từ khảo sát thực tế, ông Thiên đã vẽ cụ thể, chi tiết các vị trí, mục tiêu của địch bằng những nét chì trên giấy.

Nhờ tấm bản đồ thể hiện rõ đường đi và trận địa tấn công đã mang lại chiến thắng Xuân Lộc vang dội sau 12 ngày đêm chiến đấu. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở nút thắt cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhớ về những kỷ niệm tại chiến trường, ông Thiên cho biết, trong chiến dịch Xuân Lộc, anh em đồng đội thương vong, bị thương rất nhiều, tuy đã được sơ cứu nhưng không qua khỏi. Tất cả điều đó đã để lại cho tôi một trăn trở, tiếc rằng mình không phải là bác sĩ, thế nên tôi khát khao được vào ngành y, đó là ước mơ của tôi lúc bấy giờ.

"Sau khi giải phóng miền Nam, tôi cùng đồng đội của mình tham gia làm quân quản, hồi ấy dịch sốt xuất huyết rất nhiều, tôi bị sốt cao nhưng từ Trường Sơn trở về thành phố cứ nghĩ mình bị sốt rét nên chỉ uống thuốc sốt rét. Lúc đó, ở chiến trường ai cũng được nhận thuốc sốt rét, tôi càng uống càng bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu. Thầm nghĩ, nếu mình là bác sĩ thì không thể nào mắc sai lầm như thế", ông Thiên kể lại.

Từng chứng kiến sự thảm khốc, những đau đớn, di chứng do chiến tranh để lại, sau khi rời quân ngũ, người chiến sĩ góp công lớn trong chiến thắng Xuân Lộc năm ấy lại tiếp tục con đường học tập dang dở của mình. Bằng tài năng, trí tuệ và sự bền bỉ của mình, ông thi đỗ Học viện Quân y. Sau nhiều năm phấn đấu, Cựu chiến binh Đàm Duy Thiên đã trở thành Tiến sĩ Y học và cùng với đồng nghiệp có những nghiên cứu đóng góp quan trọng trong chẩn đoán, điều trị, phục hồi sức khỏe cho thương bệnh binh và người bệnh, trong đó có thể kể đến phương pháp điều trị những bệnh lý về não, thần kinh cột sống.

Bên cạnh đó, mới đây trong một nghiên cứu về việc tìm ra chất chống ung thư từ gạo dưới sự chỉ đạo đứng đầu của PGS.TS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh Đại học Hiroshima, Nhật Bản và nhà khoa học Trần Ngọc Nam, TS Đàm Duy Thiên đã cùng tham gia đóng góp để thực hiện thành công đề tài này.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chứng minh hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tiềm năng vượt trội trong tiêu diệt các tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường. Hai hợp chất này cũng đã từng được chứng minh có tiềm năng chống ung thư. Đây được đánh giá là một trong số ít nghiên cứu trên thế giới có thể chiết xuất thành công Momilactone A và B với hiệu suất cao từ các nguồn tự nhiên như từ gạo hay vỏ trấu - một hợp chất rất khó phân lập, tinh chế và được định giá đắt hơn nhiều lần so với vàng.

Những cống hiến của chiến sĩ Đàm Duy Thiên thời chiến, dốc sức vì bảo vệ nền độc lập dân tộc đến hành trình trở thành “vị lương y” mang hết cái tâm vào “nghề cứu người” trong thời bình là một đóng góp to lớn. Thế nhưng đối với cựu chiến binh Đàm Duy Thiên, ông luôn hy vọng có nhiều công trình nghiên cứu hơn nữa, đóng góp được nhiều sức lực, trí tuệ và cái tâm hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cống hiến thầm lặng của một cựu chiến binh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO