Công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên

H.Vũ (thực hiện) 26/04/2021 06:27

Trong tuần này, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH theo từng đơn vị bầu cử. Bên cạnh đó, chậm nhất là ngày 3/5/2021, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh phải công bố danh sách người ứng cử ĐBQH ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, cần công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên để cho người dân, cử tri xem xét, lựa chọn trước khi bỏ phiếu bầu.

PV: Thưa ông trong tuần này danh sách của các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND sẽ chính thức được công bố. Khi danh sách chính thức được công bố lúc đó người dân sẽ bắt đầu giám sát cũng như tìm hiểu về các ứng cử viên trước khi lựa chọn. Theo ông làm sao để việc giám sát được thực chất, và chính xác nhất?

Ông Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến: Có rất nhiều kênh để cử tri, người dân giám sát. Thứ nhất là cử tri nơi công tác; thứ hai là cử tri nơi cư trú của ứng cử viên đó. Ngoài ra còn có các kênh khác như truyền thông, báo chí có thể hỏi và các ứng cử viên sẽ phải trình bày chương trình hành động của mình trong thời gian tới nếu trúng cử theo quy định của luật.

Thông qua phát biểu của họ, cử tri có thể biết được chương trình hành động đó có phù hợp hay không? Có chân thành hay không? Và qua đó cũng có thể đánh giá ứng cử viên đó có tầm, có tâm hay không? Từ đó cử tri tìm hiểu và giám sát trước khi lựa chọn. Mặt khác, cử tri nơi ứng cử viên ứng cử sẽ giám sát ứng cử viên đó trong quá trình họ tiếp xúc cử tri, và vận động bầu cử.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh rằng dù đã hiệp thương vòng ba nhưng nếu trong quá trình công bố và niêm yết danh sách, người dân phát hiện ra ứng cử viên có vấn đề về nhân thân, hay vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về bầu cử thì có thể kiến nghị với các cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét, nếu thấy kiến nghị đó đúng thì có thể xóa tên ứng cử viên đó ra khỏi danh sách.

Đối với cử tri nơi ứng cử viên đó công tác hay cử tri nơi người đó cư trú sẽ dễ dàng đánh giá hơn. Nhưng với những cử tri tại nơi người đó ứng cử thì sao? Vậy làm sao để có đánh giá khách quan nhất về người ứng cử?

-Trước khi chốt danh sách ở vòng hiệp thương thứ ba thì ứng cử viên đó đã tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú và nơi công tác. Tại nơi cư trú không phải ai cũng biết đầy đủ thông tin về ứng cử viên, bởi chỉ có người ở ngay cạnh nhà, hay thân thiết mới nắm rõ về ứng cử viên đó. Tương tự tại nơi ứng cử viên đó công tác cũng vậy. Và đó cũng là khó khăn trong tiếp cận thông tin của cử tri đối với các ứng cử viên.

Tuy nhiên tại nơi ứng cử viên ứng cử thì người dân cử tri nơi đó có thể đánh giá về các ứng cử viên tại các buổi tiếp xúc cử tri. Sẽ có khoảng chục buổi tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên có thể trao đổi, trả lời các câu hỏi của cử tri đặt ra. Cùng với việc trao đổi cũng như niêm yết công khai sơ yếu lý lịch và hồ sơ của các ứng cử viên tại nơi ứng cử thì cử tri có thể có đánh giá khách quan về các ứng cử viên.

Có một vấn đề cần được đặt ra đó là bản kê khai tài sản của người ứng cử không được niêm yết vậy làm sao người dân hay cử tri có thể giám sát được tài sản của các ứng cử viên?

-Đây là vấn đề chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần đề cập rằng chúng ta nên công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử đbqh, đại biểu HĐND để cho cử tri biết là anh có tài sản như thế nào? Nếu bản kê khai tài sản đó chỉ nằm trong hồ sơ của cơ quan quản lý cán bộ, hoặc trong hồ sơ của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử tỉnh, thành thì không được.

Theo tôi chúng ta nên niêm yết, công khai lý lịch cộng với bản kê khai tài sản của các ứng cử viên. Đó chính là kênh rất tốt để cử tri nơi người đó ứng cử có thể giám sát được người mà mình sẽ bầu. Bởi càng công khai, càng minh bạch, cử tri mới biết để đánh giá khách quan, chính xác.

Tôi cũng xin nói rằng vấn đề kê khai tài sản hiện nay đang còn những bất cập, ta chủ yếu tin vào sự trung thực của người kê khai tài sản. Còn thẩm tra, thẩm định lại bản kê khai tài sản đó của các ứng cử viên có trung thực hay không thì lại ít có cơ quan làm. Chúng ta phải đặt vấn đề rằng trước khi ứng cử liệu họ có chuyển dịch tài sản cho con cháu, người thân trong gia đình hay không?

Thực tế rất khó xác định trong khi con đường đi của tài sản rất lắt léo, khó kiểm soát. Chỉ có dựa vào kênh “tai mắt” của nhân dân nơi cư trú mới biết họ có bao nhiêu nhà, đất. Nếu không chúng ta phải có một cơ quan đứng ra thẩm định, và xác nhận bản kê khai tài sản đó là trung thực.

Đã là đại biểu dân cử như ĐBQH hay đại biểu HĐND thì càng cần phải công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên, vì cử tri có quyền biết tài sản người mà mình sẽ bầu để đại diện cho mình, thưa ông?

-Thường chỉ khi được bổ nhiệm vào chức danh nào đó, hay bầu cử đại ĐBQH, đại biểu HĐND mới quan tâm đến vấn đề kê khai tài sản. Kê khai tài sản không phải là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ hàng năm, và đó cũng là cái bất cập. Cho nên cần công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên để cho người dân, cử tri giám sát. Theo tôi nên công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên tại cả nơi cư trú và nơi người đó ứng cử. Cử tri trước khi cầm lá phiếu bầu, họ phải biết được nhân thân của người sẽ đại diện cho mình, trong đó có tài sản của họ. Vì thế, cần làm sao cho thuận lợi để cử tri có thể theo dõi, quan sát, tìm hiểu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và luôn có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng, công tác y tế đang được chuẩn bị sẵn sàng để khi cử tri tập trung tới các điểm bỏ phiếu vẫn đảm bảo được phòng, chống dịch và tiến hành bỏ phiếu an toàn. Đến thời điểm này, hệ thống y tế trên cả nước đã có những chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày hội bầu cử” theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế. Trong đó, Sở Y tế các địa phương cũng có văn bản hướng dẫn chuyên về y tế trong phục vụ bầu cử, đồng thời đảm bảo các hoạt động khám, chữa bệnh cấp cứu và thông thường khác. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ tối cùng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai bản kê khai tài sản của các ứng cử viên