Kê khai tài sản cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân không phải là việc mới. Tuy nhiên, lần này vấn đề lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi các bước hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần.
Theo quy định, việc kê khai tài sản mới lần này (lần đầu) phải hoàn thành trước ngày 31/3/2021 và việc bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xong trước ngày 30/4/2021.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức theo Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là người có chức vụ, quyền hạn và người chuẩn bị ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tới đây.
Triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020.
Ông Liêm cho biết, bước đầu Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận bản kê khai của một số cán bộ giữ chức vụ giám đốc sở của một số địa phương. Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu và Tổng Thanh tra Chính phủ đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia về việc sử dụng mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác bầu cử. Và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết số 41 ngày 18/1/2021 hướng dẫn cụ thể về hồ sơ ứng cử và mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập dùng cho hồ sơ ứng cử.
Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có Văn bản số 252/TTCP-C.IV ngày 19/2/2021 đôn đốc, hướng dẫn công tác này, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu xong trước ngày 31/3/2021; bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xong trước ngày 30/4/2021. Để thúc đẩy tiến độ, sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Trên thực tế, công tác này cũng đã được triển khai từ nhiều năm trước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Tuy nhiên, đây vẫn là việc khó khăn khi mà tiến độ triển khai chậm, còn hình thức trong kê khai, cũng chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, công khai tài sản cá nhân.
Dư luận cho rằng, ở những lần kê khai trước, tính hình thức là khá phổ biến, việc tăng giảm tài sản giữa các lần kê khai không rõ ràng và cũng ít được cấp có thẩm quyền quản lý người kê khai quan tâm đúng mức. Hầu hết các bản kê khai đều làm chiếu lệ và rồi được cho là… cho vào ngăn kéo. Cũng chưa thấy trường hợp kê khai gian dối nào bị phát giác, xử lý.
Chính vì thế, với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tới đây, việc này đòi hỏi phải được làm thật sự nghiêm túc, tránh hình thức. Những người trong danh sách hiệp thương phải kê khai rõ ràng tài sản, thu nhập cá nhân. Muốn trở thành đại biểu của nhân dân thì trước hết và cực kỳ quan trọng là phải trung thực.
Tự giác của bản thân là điều quan trọng nhưng cũng rất cần có cơ chế kiểm tra, giám sát theo cách “hậu kiểm”; đồng thời cũng rất cần biện pháp xử lý nghiêm với những trường hợp kê khai thiếu trung thực, gian dối (nếu có). Có nghĩa là phải triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm thành công.
Cũng cần nhắc lại, về việc này, nhiều giải pháp đã được thể chế hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nói như Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, để hạn chế tính hình thức và kiểm soát thực chất được tài sản của cán bộ, công chức, nhất là đối với những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tới đây thì nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều đó cũng có nghĩa là phải rà soát, lập danh sách đầy đủ những người có nghĩa vụ kê khai để tránh bỏ lọt đối tượng phải kê khai lần đầu; tổ chức kê khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đặc biệt là khâu rà soát nội dung bản kê khai để bảo đảm kê khai đúng mẫu, đúng hướng dẫn. Các trường hợp kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ phải kiên quyết yêu cầu kê khai lại.
Phải tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định và lựa chọn hình thức niêm yết hay công bố tại cuộc họp sao cho phù hợp. Đối với người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì phải công khai theo đúng quy định của pháp luật bầu cử. Chỉ có như vậy mới cung cấp thông tin giúp cử tri xem xét, quyết định lựa chọn người xứng đáng để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Còn theo TS Hoàng Minh Hội (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một điểm rất cần thiết là thực hiện nguyên tắc công khai tài sản, thu nhập tại thời điểm ứng cử, bầu cử hoặc trước khi được bổ nhiệm đối với những người có chức vụ, quyền hạn. Như vậy, sẽ bảo đảm tính minh bạch và cũng là để người dân, cử tri có cơ sở để nhận xét, đánh giá cũng như tín nhiệm hay không.