Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đề nghị kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng chạy nhân sự cấp ủy là vấn đề cần được đặt ra.
Trao đổi với PV Đại Đoàn kết, ông Lê Nam - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng nên công tác nhân sự, cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Do vậy cần thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Bởi kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ. Phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước. Nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
Theo ông Nam: Từ đầu năm 2019 cho đến nay, Đảng đã cho thấy nỗ lực của mình trong công tác chống chạy chức, chạy quyền. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Trung ương đã lan tỏa tới toàn xã hội, và cán bộ đảng viên. Từ đó giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn nhận rõ hơn về chạy chức, chạy quyền hiện trạng như thế nào? Việc tăng cường chỉ đạo của Trung ương đã tạo ra thay đổi về mặt nhận thức, sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn đấu đi đúng theo chuẩn mực lời “hiệu triệu” của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Nam, hiện nay cách thức để chống chạy chức, chạy quyền đã có sự đổi mới ngay từ Trung ương. Ví như luân chuyển không làm ồ ạt theo đợt. Vì nếu luân chuyển làm ồ ạt, phong trào chính là kẽ hở làm cho người có động cơ chạy chức có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, theo ông Nam muốn làm tốt hơn nữa việc chống chạy chức, chạy quyền phải công khai minh bạch, dân chủ hơn nữa về mặt quy trình lựa chọn cán bộ, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam trong quá trình giám sát.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc nhở phải kiên quyết không để lọt, dùng người chạy chức, chạy quyền vào bộ máy. Do đó cần tăng cường kênh giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, nhân dân, và báo chí. Theo ông Dĩnh, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm trong việc đưa những người vi phạm vào trong bộ máy.
“Chúng ta nhắc nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Cho nên dứt khoát dù thế nào thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm như lời Tổng Bí thư nói: Để lọt người chạy chức, chạy quyền vào cấp ủy thì cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Hiện chúng ta có nhiều quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu song quan trọng là phải xử lý nghiêm. Bởi người đứng đầu ngoài chức năng lãnh đạo còn phải giám sát và bao quát công việc. Đồng thời cần tăng cường giám sát của cấp trên với cấp dưới, giám sát ngang cấp, và giám sát của MTTQ Việt Nam, Thanh tra nhân dân, báo chí”-ông Dĩnh cho hay.