Xã hội

Công nghệ tái chế chuyển mình mạnh mẽ

HÀ AN 12/01/2024 08:26

Ngày 1/1/2024 quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức có hiệu lực, quy định này được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp tái chế chuyển mình mạnh mẽ.

baitren.jpg
Rác thải nhựa chưa được thu gom, tái chế, xử lý triệt để tại các khu xử lý rác. Ảnh: Hà An.

Tái chế không còn là khuyến khích

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã đưa ra quy định EPR với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trong đó, trách nhiệm tái chế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Kể từ thời điểm này, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì (thương phẩm) sẽ phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Như vậy, nếu như trước kia các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, thì giờ đây, họ phải thực hiện nghĩa vụ này theo quy cách và tỷ lệ bắt buộc được quy định trong luật và các văn bản dưới luật.

Chia sẻ rõ về quy định này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Phan Tuấn Hùng cho hay, theo quy định của Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các DN sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được DN đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

Cụ thể, tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện, điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắc quy từ 8-12%; với bao bì tỷ lệ tái chế từ 10 - 22%, tùy từng loại…

Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần. Tỷ lệ tái chế bắt buộc cao nhất được áp dụng đối với bao bì nhôm, chai nhựa PET ở mức 22% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 0,5%. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia ở châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR.

Để chính sách EPR đi vào cuộc sống, suốt 3 năm qua, cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như các nhà tái chế đã có cuộc “chạy đua với thời gian” để hoàn thiện chính sách và sẵn sàng thực thi. Ông Phan Tuấn Hùng cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ sở pháp lý thực thi EPR đã cơ bản hoàn thiện. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến; từ hệ thống này, các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hướng đến kinh tế tuần hoàn

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, EPR là công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải. Ðồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường. Tại Việt Nam, ý tưởng về EPR đã được thể chế hóa tại Luật BVMT năm 2005.

Được biết, theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, một lượng bao bì nhựa trị giá 80 - 120 tỷ USD/năm bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do không được tái chế. Ước tính, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD/năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Ở góc độ DN, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, sử dụng đúng cách, rác thải có thể trở thành tài nguyên. Vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên này như thế nào còn phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư.

Tại Việt Nam, tái chế là ngành công nghiệp mới mẻ nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ sau khi nhiều đơn vị tái chế trong nước như tái chế bao bì giấy, kim loại, nhựa… phát triển. Để ngành công nghiệp tái chế phát triển mạnh mẽ, theo ông Lê Anh cần thực hiện tốt hơn việc phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia ở Đông Nam Á đang gặp phải vấn đề tồn tại là phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt.

Minh chứng từ công ty, ông Lê Anh cho biết, tại Công ty Duy Tân thu về 100 tấn nhựa, nhưng chỉ 50 tấn có thể tái chế chai nhựa, còn lại phải tái chế thành các sản phẩm khác như xơ sợi, dệt vải. Vì vậy, nếu việc phân loại không tốt khiến chất lượng chai nhựa thu được không cao sẽ làm giảm tỷ lệ tái chế từ chai nhựa thành chai nhựa.

Để các quy định về EPR được thực thi hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan hoàn thành các quy định, thiết chế liên quan để thực hiện EPR như: thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (gọi tắt là Fs); xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xây dựng Cổng thông tin EPR quốc gia… Với các giải pháp trên hy vọng việc triển khai EPR sẽ đạt hiệu quả nhất là trong bối cảnh hiện nay môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề do rác thải không được xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ tái chế chuyển mình mạnh mẽ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO