Chủ trương khoanh vùng hẹp của Chính phủ nhằm bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do dịch Covid-19.
Sản xuất thép, ô tô tăng mạnh; xăng dầu giảm
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước, lây lan nhanh với biến chủng mới. Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Theo đó, chủ trương khoanh vùng hẹp để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.
Trong đó, có một số sản phẩm công nghiệp trong kỳ này tăng vọt so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; bia các loại tăng 11,7%.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; dầu thô khai thác giảm 9,4%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%; than sạch giảm 3,7%...
Khai thác than giảm vì tiêu thụ cho điện giảm
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, sản lượng dầu thô khai thác tháng 5 ước đạt 0,9 triệu tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,6 tỷ m3, giảm 23,2%; khí hóa lỏng ước đạt 75.700 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 3,5 tỷ m3, giảm 13,1%; khí hóa lỏng ước đạt gần 375.000 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, sản lượng than sạch tháng 5 ước đạt 4,43 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ; alumin ước đạt 116.000 tấn, giảm 3,7%% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng than sạch ước đạt 21,26 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ; alumin ước đạt gần 540.000 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành than cũng chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và nhu cầu tiêu thụ than cho điện giảm, các đơn vị ngành than khai thác cầm chừng nhằm giảm tồn kho, bảo đảm cân đối tài chính.
Còn ngành dệt may, da giày trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.
Theo đó, tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%; chỉ số sản xuất của ngành da và các sản phẩm liên quan tăng 12% so với cùng kỳ.
Đối với nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống, tháng 5 và 5 tháng năm 2021, sản xuất kinh doanh của ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Cụ thể trong tháng 5, chỉ số ngành sản xuất đồ uống giảm 0,5% so với cùng kỳ; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6% so với cùng kỳ; trong khi đó ngành sản xuất thuốc lá tăng 6,3%. Tính chung 5 tháng, chỉ số ngành sản xuất đồ uống tăng 12,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2% so với cùng kỳ; ngành sản xuất thuốc lá tăng 5,3%.
Nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa
Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 cũng bị tác động bởi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%.
Ở thị trường nội địa, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt gần 394.000 tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 318.000 tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 34,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 11,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% và giảm 17,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt gần 41.000 tỷ đồng, giảm 3,9% và giảm 2,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.086 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).