Mặc dù giấc mơ nội địa hóa ôtô đã không đạt được những mục tiêu như kỳ vọng ban đầu, thế nhưng, nhìn vào những diễn biến hiện nay, công nghiệp ôtô vẫn đang được đánh giá là còn dư địa rất lớn để các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể vươn lên chớp cơ hội. Ông Trương Thanh Hoài- phụ trách Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh nội dung này.
Ông Trương Thanh Hoài.
PV: Một trong những nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp ôtô bị “phá sản giấc mơ nội địa hóa” chính là do doanh nghiệp (DN) sản xuất ôtô và DN ngành công nghiệp phụ trợ chưa tìm được tiếng nói chung, hay nói cách khác- sự kết nối giữa hai khu vực DN này còn yếu. Vậy với trách nhiệm của nhà quản lý, Bộ Công thương thể hiện vai trò như thế nào trong việc kết nối này thưa ông?
Ông Trương Thanh Hoài: Phải thừa nhận rằng, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của Việt Nam đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy…
Chỉ có một số ít DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Hiện nay sự liên kết giữa DN công nghiệp hỗ trợ và DN lắp ráp ôtô hoàn chỉnh rất là yếu. Đây là tình trạng chung của ngành công nghiệp Việt Nam chứ không riêng gì đối với công nghiệp ôtô.
Nếu nói về sự liên kết giữa DN ngành công nghiệp hỗ trợ và DN sản xuất, thì đây là yếu tố rất hạn chế. Hiện nay, qua nghiên cứu các điểm mạnh điểm yếu của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015 nhằm ban hành một số chính sách về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm cải thiện tình trạng nói trên.
Có một thực tế là, trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, chi phí sản xuất, chi phí thiết kế khuôn mẫu hay chi phí thử nghiệm rất lớn.
Cho nên, trong Nghị định 111 nói trên, chúng tôi đã hình thành mô hình được gọi là Trung tâm phát triển hỗ trợ.
Tại trung tâm này, Nhà nước sẽ đứng ra để thực hiện những việc như sản xuất thử nghiệm hay thiết kế khuôn mẫu,... nói chung tất cả các đầu việc nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với các sản phẩm để giúp cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có thể giảm được chi phí trong quá trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Với những động thái như vậy, chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới đây, các DN công nghiệp hỗ trợ có thể kết nối trực tiếp với Bộ Công thương và chúng tôi sẽ cố gắng để hỗ trợ đến mức tối đa để làm sao ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ dần lớn mạnh lên, trở thành động lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp khác, trong đó có ngành công nghiệp ôtô, với mục tiêu ngành ô tô có thể đạt tới tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và có khả năng xuất khẩu trong khu vực ASEAN hoặc một số khu vực thương mại tự do mà chúng ta có ký kết để được hưởng thuế suất 0%.
Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp.
Công nghiệp ôtô mặc dù được kỳ vọng là một ngành công nghiệp mũi nhọn, song trên thực tế nhiều năm qua, chúng ta đã không thể biến kỳ vọng đó thành thực tế. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của ngành này vẫn rất lớn. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội phát triển của ngành công nghiệp ôtô cũng như cơ hội cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
- Trên thực tế, hiện nay, cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô vẫn còn rất nhiều, dư địa để phát triển. Càng ngày, đời sống, thu nhập của người dân sẽ được nâng lên.
Dự báo, tới đây, thu nhập bình quân đầu người của nước ta sẽ đạt trên 3.000 USD/ năm. Sản lượng ôtô trên 1.000 dân sẽ đạt khoảng 50 xe. Con số này ở điểm hiện tại mới chỉ đạt được mức 25 xe trên 1.000 dân.
Nếu nhìn sang các nước như Thái Lan hay Malaysia, lượng xe trên 1.000 dân là 250 xe, như vậy là gấp 10 lần Việt Nam.
Với tình hình kinh tế ngày càng đi vào ổn định, số DN thành lập mới tăng cao, mức sống người dân đi lên, tăng trưởng cao trong dài hạn…
Tôi cho rằng, đó là những điều kiện để tạo dư địa lớn cho nành công nghiệp ôtô. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các DN, nhà quản lý cần phải nghĩ đến việc đưa ra các giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực, tiền đề phụ trợ cho ngành công nghiệp ôtô phát triển. Và khi ngành này phát triển thì sẽ kéo theo hàng loạt các lĩnh vực khác phát triển theo, tính lan tỏa rất lớn.
Có ý kiến cho rằng, công nghiệp ôtô không nên coi là một ngành mà phải coi là một nền công nghiệp. Nếu chúng ta vẫn nhìn công nghiệp ôtô dưới góc độ ngành, là một đối tượng quản lý thì chính sách sẽ mang tính chất “bó buộc” nhiều hơn là cởi mở như khi coi là một nền công nghiệp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Đến thời điểm này, sản lượng ôtô lắp ráp và sản xuất trong nước đã đạt con số 500 ngàn xe, đó là dung lượng rất khả dĩ cho phát triển công nghiệp phụ trợ.
Như tôi đã nói ở trên, công nghiệp ôtô trên thực tế có tác động lan tỏa rất nhiều ngành, bởi đây là một ngành kinh tế kỹ thuật có trình độ công nghệ rất cao, do đó là sự tích hợp của nhiều ngành khác nhau như cơ khí, điện tử, hay công nghệ số, công nghiệp công nghệ cao.
Do đó, nếu phát triển ngành này mạnh mẽ, nó sẽ có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Bởi vậy, cần phải thừa nhận, công nghiệp ôtô mặc dù là ngành chuyên biệt nhưng lại bao hàm nhiều ngành khác nhau.
Bởi vậy, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, khi coi là nền công nghiệp thì chúng ta sẽ có những chính sách mang tính tổng thể và bao quát hơn và sẽ tạo động lực lan tỏa hơn ra các ngành khác. Điều đó cũng là hợp lý.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện ở Việt Nam, trung bình trong 1.000 dân mới có 25 người sở hữu ôtô. Trong khi đó, mức tại các nước phát triển là 400. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu ôtô là 790 trên 1.000. Tổng công suất lắp ráp các loại xe của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe mỗi năm, con số này kém xa so với mức 2 triệu xe tại Thái Lan và 1 triệu xe của Indonesia. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu phân tích cho thấy Việt Nam vẫn có thể trở thành một trong những thị trường ôtô tiềm năng 10-15 năm tới, bởi mức GDP bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng và các đặc điểm nhân khẩu học hấp dẫn. |