Công tâm trong lấy phiếu tín nhiệm

H.Vũ 11/07/2023 05:51

Vấn đề khách quan và công tâm trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đang được đặt ra khi phải tránh được việc lợi dụng lấy phiếu, bỏ phiếu để “hạ bệ”.

Để phục vụ cho việc Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn diễn ra tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13, ban hành Nghị quyết mới về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Tại Nghị quyết mới quy định: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, HĐND; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc ĐBQH, đại biểu HĐND yêu cầu (nếu có). Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, HĐND.

Nghị quyết cũng đã đưa ra các hành vi bị nghiêm cấm: vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến ĐBQH, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến ĐBQH, đại biểu HĐND trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc lấy phiếu cần thật sự dân chủ, không có định hướng, áp đặt. Đặc biệt là gắn với trách nhiệm của người có quyền bỏ phiếu. “Người bỏ phiếu phải khách quan, công tâm đối với người được lấy phiếu, bỏ phiếu. Trong công việc có thể có vướng mắc, nhưng không được vì chuyện vướng mắc, hay yêu ghét mà bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm thấp nhằm hạ bệ lẫn nhau, mà phải đánh giá đúng thực chất. Nhất là theo quy định mới, nếu trên 50% đến 2/3 bị phiếu tín nhiệm thấp thì phải xin từ chức, nên phải rất khách quan” - ông Dĩnh nói.

Còn ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: “Mặt trận là nơi hiệp thương, giới thiệu người để bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Do đó những người đó phải chịu sự giám sát của Mặt trận. Cho nên trước khi các ĐBQH, đại biểu HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì cần lưu ý đến bản đánh giá của Mặt trận tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm”.

Liên quan đến việc người được lấy phiếu tín nhiệm phải trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, ông Phạm Trường Dân (ĐBQH khóa XIII) cho rằng, cơ quan của người được lấy phiếu tín nhiệm phải giám sát và chịu trách nhiệm về bản kê khai tài sản, thu nhập đó. Khi có “vấn đề” thì phải yêu cầu người đó giải trình. Cũng như người có quyền bỏ phiếu có thể yêu cầu người được lấy phiếu phải giải trình về những bản báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và bản kê khai tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tâm trong lấy phiếu tín nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO