Công trình trụ sở làm việc của UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư từ 5 - 6 tỷ đồng chuẩn bị hoàn tất và đưa vào sử dụng thì phải dừng thi công do sáp nhập với xã khác. Điều này không chỉ gây lãng phí tiền của nhà nước mà còn gây bức xúc trong nhân dân.
Xây rồi bỏ hoang
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công sở của xã. Trong số 41 dự án công sở nói trên, xã Quảng Phúc là một trong những địa phương tại huyện Quảng Xương được thụ hưởng. Theo nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, trụ sở xã Quảng Phúc gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích mặt sàn khoảng từ 585m2 trên tổng diện tích đất khoảng hơn 3.000m2. Tổng số tiền đầu tư không quá 5 - 6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 4,3 tỷ đồng, phần còn lại UBND xã Quảng Phúc chịu trách nhiệm bố trí ngân sách xã và huy động các nguồn hợp pháp khác. Tháng 9/2018, UBND xã Quảng Phúc đã khởi công dự án.
Thế nhưng, trong khi dự án đã hoàn thành được đến 70% khối lượng công việc thì Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã ra đời và Quyết định số 1649/QĐ-UBND ngày 5/5/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Theo Quyết định này, xã Quảng Phúc và Quảng Vọng được gộp lại làm một để thành lập xã Quảng Phúc. Và kể từ thời điểm đó, công sở cũ của xã Quảng Phúc và công trình nhà làm việc 2 tầng cùng khu hội trường xã Quảng Phúc mới vừa xây dựng bỏ hoang cho đến nay.
Theo quan sát của chúng tôi: Khu nhà làm việc 2 tầng đã cơ bản hoàn thiện phần thô, lợp mái, tường chưa được sơn. Sân và tường rào bao quanh chưa thực hiện. Các phòng được thiết kế xây dựng để làm việc thì nay được một vài người dân tận dụng chăn thả gia súc. Bên cạnh đó, khu nhà hội trường xã vừa xây dựng trong năm 2018, có tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng cũng bị bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn T. - người dân trú tại thôn Ngọc Đới, xã Quảng Phúc cho biết: Khi dự án xây dựng các hạng mục trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa của xã, người dân địa phương rất vui mừng. Các khu nhà mới sẽ thay thế các nhà cũ xuống cấp… Đây không chỉ đơn thuần là sự đầu tư của nhà nước cho địa phương mà còn là sự khẳng định đời sống nông thôn mới đã đem lại diện mạo tươi sáng cho xã. “Nhà văn hóa xã họp được mấy lần thì đóng cửa và giờ cho hợp tác xã thuê làm cói chiếu. Bên trong, người dân nuôi nhốt lợn, bò.... Còn công sở cũ, một góc họ cho thuê làm may nhưng giờ cũng không hoạt động nữa. Rất lãng phí!” - ông T. nói.
Chưa tìm được phương án xử lý
Đưa vấn đề này đến UBND xã Quảng Phúc để tìm hiểu, chúng tôi được ông Hoàng Xuân Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết: Thời điểm chưa sáp nhập ông cũng đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Nhà văn hóa xã đã xây xong đi vào hoạt động với mức đầu tư khoảng hơn 3 tỷ đồng. Còn nhà làm việc của UBND xã, tỉnh hỗ trợ cùng với ngân sách xã, xây dựng gần xong thì buộc phải tạm dừng. “Sau khi sáp nhập, chúng tôi cũng đã tính toán rất kỹ có nên đầu tư tiếp hay không. Nhưng căn cứ tình hình thực tế, vị trí địa lý cho bà con nhân dân dễ đi lại thì chúng tôi chọn công sở xã Quảng Vọng và báo cáo với UBND tỉnh cho tạm dừng, không xây dựng tiếp” - ông Thi nói.
Về phương án xử lý 2 công sở của xã Quảng Phúc (cũ và mới), ông Thi cho rằng, sau khi sáp nhập, xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Quảng Xương để báo cáo UBND tỉnh xem xét để chuyển công năng sử dụng. Đồng thời đề nghị cho làm nơi sản xuất tiểu thủ công nghiệp như may mặc, làm cói để tránh lãng phí. Khi được hỏi tại sao thời điểm năm 2018 có chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính lại xây dựng trụ sở mới, ông Thi cho hay: Xã xin đầu tư do công sở cũ xuống cấp, chật chội không đáp ứng được từ năm 2016. Đến khi được chấp thuận, đang xây dở thì mới có quyết định sáp nhập 2 xã Quảng Phúc và Quảng Vọng.
UBND huyện Quảng Xương cũng đã yêu cầu UBND xã Quảng Phúc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đến thời điểm dừng; xác định điểm dừng kỹ thuật của dự án và nguồn kinh phí còn thiếu để hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật.
Được biết, năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định chuyển giao 45 cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Xương về cho UBND huyện này quản lý.
Bà Trịnh Thị Nguyên - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quảng Xương cho biết, ngày 11/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng thực hiện vĩnh viễn công trình công sở xã Quảng Phúc, hạng mục nhà làm việc 2 tầng. Hiện nay tỉnh chưa chấp thuận việc chuyển giao sang mục đích sử dụng khác.