Điện gió là dự án có tác động sâu sắc đến môi trường. Khi những cánh rừng bạt ngàn bị cạo trọc, những dãy núi trùng điệp bị san phẳng, người dân kêu cứu… chính quyền mới đề nghị rà soát soát thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất đảm bảo các điều kiện để triển khai các dự án điện gió, yêu cầu tạm dừng khi chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất…
Nguyên vẹn những nỗi đau
Sau gần một năm 22 chiến sĩ Đoàn 337 đóng quân ở huyện Hướng Hoá bị vùi lấp nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Những ngày này, vùng đất Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị đã có những cơn mưa đầu mùa.
Dù lượng mưa chưa lớn và kéo dài nhưng một số cầu tràn, cầu trên hầu khắp các tuyến đường nối những xã, bản vùng sâu vùng xa đều đã xảy ra tình trạng nước, đất bùn tràn về gây cản trở, mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Chỉ cần ngồi ở bất kỳ đâu, trên điểm cao ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) đều có thể nhìn thấy những quả đồi bị cạo trọc, đất bazan phủ màu đỏ đổ khắp nơi trên các cánh rừng. Rất nhiều diện tích ruộng lúa của người dân ở thôn Cheng (xã Tân Liên) cũng bị đất đá vùi lấp do con đường của Nhà máy điện gió Amaccao thi công ngang qua.
Hiện Quảng Trị có 26 dự án điện gió đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai. Dự kiến, đến 31/10/2021, có 18/26 dự án điện gió kịp hòa lưới điện. Để kịp tiến độ, các dự án này cấp tập thi công ngày đêm.
Dù đang thi công ồ ạt, nhưng chưa có đánh giá tổng thể về tác động môi trường đối với các dự án điện gió ở đây. Người dân Hướng Hoá đang ngày ngày sống trong sợ hãi, nơm nớp nỗi lo nguy cơ xảy ra sạt lở đe doạ tính mạng, ảnh hưởng đời sống kinh tế.
Khi thảm cảnh ngày 22 chiến sĩ Đoàn 337 đóng quân ở huyện Hướng Hoá bị vùi lấp vẫn luôn thường trực trong đầu họ thì bên tai họ, tiếng máy cưa, máy xúc, máy ủi vẫn ầm ầm bạt rừng xẻ núi làm điện gió.
Tỉnh chỉ đích danh nhưng...
Tại phiên họp HĐND tỉnh Quảng Trị diễn ra trung tuần tháng 7/2021, ông Nguyễn Chiến Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh - đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng, hậu quả có thể có từ việc thi công điện gió, và ông đề nghị phải khẩn trương có sự đánh giá tổng thể tác động môi trường của hệ thống dự án điện gió đã, đang và sắp thi công tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Văn bản số 35/HĐND-KTNS ngày 22/6/2021 của Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Trị và công văn số 2754UBND-TN ngày 2/7/2021 của UBND tỉnh yêu cầu rà soát thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất đảm bảo các điều kiện để triển khai các dự án điện gió, yêu cầu tạm dừng khi chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật..
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đích danh 3 dự án điện gió gồm Dự án điện gió Amaccao (là dự án thuộc Công ty cổ phần điện gió Khe Sanh), Dự án điện gió Tài Tâm và Dự án điện gió Hoàng Hải thi công bất chấp pháp luật.
Chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường nhưng Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh đã thi công ồ ạt, coi thường sức khoẻ và tính mạng của những người dân xung quanh.
Chính quyền địa phương đã làm gì để cứu những cánh rừng bị xẻ thịt oan, cứu những người dân vô tội đang ngày ngày sống trong sợ hãi? Ai đứng sau các dự án điện gió của công ty cổ phần điện gió Khe Sanh khiến chính quyền địa phương phải bất lực? Ai chống lưng cho công ty cổ phần điện gió Khe Sanh để rồi đơn vị này thi công khi chưa đủ điều kiện nhưng chính quyền mới chỉ hô hào xử lý trên giấy?
Đầu tư cho phát triển của địa phương là chủ trương lớn nhưng làm thế nào để hài hoà lợi ích của người dân với sự phát triển của địa phương rất cần cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo. Đã đến lúc, Thanh tra chính phủ cần vào cuộc, quyết liệt làm rõ quy trình cấp chủ trương đầu tư, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi rừng - đất rừng, quy hoạch các dự án năng lượng và quy trình thực hiện dự án… của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị.