Phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới. Việt Nam với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên được đánh giá là giàu tiềm năng cho phát triển nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, nghịch lý là, khi các dự án năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ thì cơ sở hạ tầng lại chưa đáp ứng được, quá tải đường dây dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm công suất…
Dự án điện gió. Ảnh: Quang Vinh.
Bị cắt giảm công suất đến 70%/ ngày, nhà đầu tư hoang mang
Sự phát triển quá nhanh, quá nóng của các dự án điện mặt trời khiến ngành điện đang rơi vào tình trạng quá tải công suất. Số liệu được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy gần trăm nhà máy điện mặt trời dồn dập vận hành trong thời gian ngắn để cán đích trước ngày 30/6. Nếu như trong năm 2018, chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công, thì 3 tháng đầu năm 2019 đã thêm 5 nhà máy. Thế nhưng chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019, con số này đã vọt lên 81. Riêng 6 tháng năm 2019 có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn là điều “chưa từng có trong lịch sử” ngành điện.
Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương rất thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời đã dẫn tới tình trạng đường dây, trạm biến áp từ 110 kV đến 500 kV trên địa bàn 2 tỉnh này đều quá tải. Trong khi đó, các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế này khiến cho ngành điện đang rơi vào tình thế phải cắt giảm công suất của các dự án điện mặt trời, điện gió. Và đương nhiên, việc này khiến các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đang như “ngồi trên lửa”. Có chủ đầu tư một dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận cho biết, do quá tải điện lưới, có ngày dự án phải cắt giảm công suất đến 60%. Theo vị chủ đầu tư này, họ thường xuyên nhận được văn bản đề nghị cắt giảm công suất điện mặt trời được gửi đến từ A0. “Để xây dựng và đi đến hoàn thiện một dự án điện mặt trời, số vốn chúng tôi đổ vào là không hề nhỏ, xây dựng xong lại không được phát, cứ liên tục cắt giảm công suất thế này, lỗ là cầm chắc”- vị chủ đầu tư cho hay.
Không chỉ các dự án điện mặt trời đang ở tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, các dự án điện gió cũng gặp phải tình thế tương tự. Trong văn bản mới nhất gửi đến Bộ Công thương và EVN, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) cũng lên tiếng phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện khi cho rằng, trong tháng 6 vừa qua, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã yêu cầu các dự án điện gió phải cùng cắt giảm 38-64% công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch BTWEA - nếu cứ cắt giảm công suất liên tục như vậy, lỗ là chắc chắn.
Chỉ tính riêng tỉnh Ninh Thuận, tổng công suất điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã lên tới 2.027 MW (chiếm gần 50% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước). Dự kiến, đến tháng 12/2020, con số này sẽ tăng lên 4.240 MW. Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ (tỉnh Ninh Thuận chỉ dao động 100 MW – 115 MW và Bình Thuận 250 MW - 280 MW).
Vì đâu nên nỗi?
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết: Sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió, các dự án điện năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh, quá nóng. Để đầu tư một dự án điện mặt trời với công suất 50-100 MW chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500 kV phải mất 3 năm, đường dây 220 kV mất 2 năm. Do vậy, việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời. Ông Hùng còn cho biết thêm: Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công thương đã có đề xuất lên Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500 kV, đường dây 500 kV mạch kép và các đường dây 220 kV nhánh rẽ.
Phía A0 cũng bày tỏ rằng: EVN và A0 đã dồn toàn lực trong thời gian qua để mong các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống. Nhưng hiện nay phải giảm công suất do quá tải lưới điện, là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn.
Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng thừa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã rõ. Còn nhớ thời gian trước, người ta nói nhiều đến việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ vì đây là lời giải tốt nhất cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, mà còn bởi các dự án năng lượng tái tạo hoàn toàn không gây tác hại đến môi trường giống như các dự án nhiệt điện. Chính bởi vậy, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng mà chúng ta cần hướng tới. Thế giới đã và đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo, loại bỏ hoàn toàn các dự án nhiệt điện.
Thế nhưng, thực tế hiện nay dường như là nghịch lý. Sau khi nhà quản lý có các cơ chế, khuyến khích để phát triển điện gió, điện mặt trời… thì đến thời điểm này, EVN lại tìm cách giảm công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh ngành điện đang “kêu trời” vì nguy cơ nguồn cung điện thiếu, phải nhập khẩu than để sản xuất điện... thì việc dư thừa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đến mức phải cắt giảm liên tục, gây hoang mang cho các chủ đầu tư là vấn đề cần phải xem xét. Không ít ý kiến cho rằng, EVN đang muốn tiếp tục giữ vị thế độc quyền trong sản xuất kinh doanh điện.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - nêu quan điểm: Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, sinh khối là xu thế chung của thế giới, các nước đang phát triển rất mạnh. Hạn chế nhiệt điện than là việc cần làm vì những bất cập gây ra đối với môi trường chúng ta đã quá rõ. Phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời với đặc thù điều kiện thiên nhiên, khí hậu ở nước ta là rất phù hợp, giàu tiềm năng. Trước đây, chưa có cơ chế ưu đãi nên các dự án điện năng lượng tái tạo ít phát triển, chủ đầu tư không mặn mà, nhưng nay có cơ chế tốt, Chính phủ đưa ra giá mua điện năng lượng tái tạo với giá cao (điện mặt trời là 9,35 cent/ kWh và điện gió là 9,8 cent/ kWh) nên đã khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy các dự án điện mặt trời, điện gió đã phát triển nhanh và mạnh, gây ra tình trạng “quá sức” với đường dây truyền tải đến các hộ tiêu thụ. “Nhưng đấy chỉ là một khía cạnh, và tôi cho là cũng hợp lý, vì như EVN lý giải, 1 dự án điện gió chỉ mất 6 tháng là hoàn thành trong khi lưới điện truyền tải phải mất 3 năm. Quá nhiều dự án gây dư thừa công suất vì quá tải đường dây… Nhưng còn một khía cạnh nữa đó là, phải mua điện năng lượng tái tạo với giá cao, trong lúc giá bán điện còn thấp nên ngành điện không mặn mà” – vị chuyên gia nêu quan điểm. Cơ chế chính sách đưa ra giá điện năng lượng tái tạo cao nên thu hút các nhà đầu tư, đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, EVN kêu quá tải đường dây và buộc phải giảm công suất, như vậy sẽ thiệt hại đối với các nhà đầu tư. “Vậy giải pháp trước mắt tôi cho rằng cần phải nghiên cứu để giảm giá xuống. Các nhà đầu tư cũng phải chấp nhận giá thấp hơn để hài hòa lợi ích cả hai bên. Còn phía EVN cần phải tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo tốt an ninh năng lượng quốc gia. Chúng ta đã biết, phát triển được các nguồn năng lượng tái tạo là lời giải tốt nhất cho lợi ích quốc gia, cho dân” - ông Duệ đề xuất.