Theo các chuyên gia chấn thương chỉnh hình, vẹo cột sống là một trong những dị tật cột sống thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể khởi phát ngay từ lúc bệnh nhi còn rất ít tuổi (0-5 tuổi, chiếm khoảng 10% trẻ bị vẹo cột sống) và thường phối hợp với nhiều dị tật bất thường khác của cơ thể.
Thống kê cho thấy có tới 90% số trẻ bị vẹo cột sống khởi phát muộn (12-20 tuổi). Bởi bệnh có diễn tiến âm thầm, kín đáo, rất khó để có thể phát hiện. Khi gia đình thấy trẻ có biểu hiện bất thường đưa con đi khám thì đã quá muộn để các bác sĩ tiến hành điều trị và trẻ sẽ phải đối mặt với những cuộc phẫu thuật nặng nề.
Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra vẹo cột sống. Một số trẻ em khi sinh ra đã bị vẹo cột sống bẩm sinh, một số trẻ bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế trong quá trình học tập; hoặc trẻ bị mắc các bệnh về thần kinh, cơ, bướu, lao động không phù hợp với lứa tuổi, nhiều trường hợp không xác định dược nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống.
Theo TS.BS Đinh Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Hữu nghị Việt Đức, không quá khó để các bậc phụ huynh có thể nhận ra con mình có bị cong vẹo cột sống hay không. Các bậc phụ huynh có thể nhận biết dấu hiệu cong vẹo cột sống khi trẻ tắm thấy cột sống cong hơn bình thường hoặc khi trẻ ngồi học cột sống không được thẳng, ngồi sai tư thế. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu gợi ý như bên vai cao, bên vai thấp. Khi cha mẹ nghi ngờ con bị vẹo cột sống chỉ cần kiểm tra bằng cách nhìn dọc thân trẻ khi cởi áo, đứng thẳng sẽ thấy có một vai thấp hơn. Lúc đó, eo sẽ tạo ra khoảng trống bên rộng bên hẹp, trục cột sống cong và một bên vai nhô lên. Cha mẹ cũng có thể cho con cúi lưng cho hai tay ra trước xương sườn, bên vẹo sẽ co lên so với bên không vẹo.
Theo các bác sĩ, bệnh vẹo cột sống phát triển từ từ khiến người bệnh chủ quan không chú ý. Ngoại hình người bệnh sẽ bị mất cân đối, gây mặc cảm và dẫn đến hạn chế các hoạt động xã hội. Trường hợp bệnh nặng, lồng ngực của bệnh nhân sẽ bị lép do xương sườn kẹp, chèn ép tim, phổi. Phổi sẽ bị xẹp, giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp dẫn đến suy tim gây phù, khó thở. Ở giai đoạn muộn, các cơ quan trong ổ bụng của bệnh nhân sẽ bị chèn ép và có cả dấu hiệu của chèn ép thần kinh.
Chính vì thế, BS Đinh Ngọc Sơn khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bị cong vẹo cột sống cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên về cột sống để làm các chẩn đoán xác định xem trẻ có bị mắc cong vẹo cột sống hay không. Các bác sĩ chỉ cần chụp X-quang là đã có thể xác định được bệnh.
Theo các chuyên gia, trẻ có thể bị bệnh vẹo cột sống do ở trường học ngồi sai tư thế, học với bàn học không phù hợp, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai, chiếu sáng kém; có thói quen tư thế xấu như: đi, đứng, ngồi không đúng tư thế.
* Cột sống được cấu tạo bởi 33 đốt sống, đệm giữa bằng những đĩa đệm. Cột sống hình chữ S khi nhìn nghiêng, nhìn từ phía sau thì thấy cột sống vẫn thẳng. Nhờ vậy, cột sống mềm dẻo, cử động dễ dàng, chịu được trọng tải của cơ thể và khi mang vác đồ vật. Gân, cơ, dây chằng có tác dụng neo giữ cột sống, giúp cột sống thực hiện được các động tác như cúi ngửa nghiêng xoay. Khi cột sống cũng như gân, cơ, dây chằng bị hư hỏng thì cột sống dễ bị cong vẹo.