Ngày 6/11, COP27 - hội nghị thường niên lần thứ 27 của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhóm họp tại Ai Cập, kéo dài 12 ngày. COP27 diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, điều đó cũng không che lấp được mối lo về hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một diễn ra thường xuyên hơn.
Nói với tờ The Guardian, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng nếu các nước giàu không ký “hiệp ước lịch sử” về khí hậu với các nước nghèo, con người sẽ bị diệt vong. Năm 2009, các nước giàu đã hứa tài trợ 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2020 để các nước đang phát triển xanh hóa nền kinh tế và khắc phục những mất mát, thiệt hại mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Tuy nhiên, cam kết này vẫn chưa được thực hiện.
Kể từ đầu năm tới nay, nhân loại đã phải chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ cùng những trận lụt lịch sử. Từ cuối tháng 4, Pakisstan đã phải chịu đựng những đợt nắng nóng kéo dài. Từ tháng 6 đến tháng 9, quốc gia này lại phải chịu trận ngập lụt kỉ lục, với 1/3 lãnh thổ bị ngập nước, hơn 33 triệu người dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một ví dụ, vì thực tế cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và nước Úc.
Tiến sĩ Helen Griffiths - nhà nghiên cứu về hiểm họa thiên nhiên (Đại học Reading, Anh) nói: “Tai họa đang được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Khi trái đất ấm hơn, nghĩa là bầu khí quyển bị hun nóng sẽ có lượng nước bốc hơi lớn hơn từ đại dương. Vậy là chúng ta đang gây ra những thảm họa thiên nhiên cho chính mình".
Còn theo tiến sĩ Vikki Thompson (Đại học Bristol, Anh) thì có những mùa hè nắng nóng, có những mùa hè khác thì khô hạn. Mùa hè này ghi nhận mức nhiệt kỷ lục gần như khắp châu Âu. Nước nhiều dòng sông xuống thấp, trơ đáy. Đã qua tuần đầu tháng 11 nhưng châu Âu vẫn chưa có mùa thu. Đó là điều kỳ lạ nhất từ trước tới nay.
Trước những diễn biến “vô tiền khoáng hậu” về thời tiết, giáo sư Laurence Wainwright (Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith, Đại học Oxford) nêu vấn đề: "Câu hỏi phải đặt ra là liệu một số khu vực còn có thể là nơi con người sinh sống được trong 50 hay 100 năm nữa hay không? Bởi vì tôi đã từng sống ở California (Mỹ) và tôi không nghĩ rằng, nơi đây sẽ là một nơi cư trú bền vững trong 75 hay 100 năm kể từ bây giờ".
Giáo sư Laurence cho rằng, nếu không có hành động quy mô toàn cầu để giảm lượng khí thải, thì nhiệt độ trái đất đang trên đà tăng thêm 2,5 đến 4,5 độ C vào năm 2100. Khi ấy, chắc chắn sẽ là quá muộn để ngăn chặn những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với hành tinh cũng như toàn bộ sinh vật trên trái đất.
Ngay trước khi COP27 diễn ra, các chuyên gia khí tượng của Liên hợp quốc đã đưa ra những cảnh báo. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP/PNUE), nhân loại đang đi đến một thế giới với nhiệt độ sẽ cao hơn ít nhất 2,6 độ C do các cam kết cắt giảm khí thải vẫn thấp ‘‘một cách đáng buồn’’. Truyền thông Pháp nói rằng, còn buồn hơn nữa khi cảnh báo đó chẳng khác gì ‘‘một tảng đá ném xuống ao’’.
Tiến sĩ Anne Olhoff, tác giả bản báo cáo biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nói với AFP rằng, năm 2022 sắp qua và lại ‘‘thêm một năm thất bát’’ nữa khi các nỗ lực giảm phát thải là không đáng kể. Còn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, một lần nữa nhấn mạnh: ‘‘Nhân loại đang lao thẳng đến một thảm họa toàn cầu’’ khi mà nhiều chính phủ cam kết giảm phát thải nhưng cũng chỉ là hành động đánh bóng hình ảnh, nhưng không thực hiện.
Đáng chú ý, một “Thư ngỏ” với khoảng 1.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia đã được gửi tới COP27, với nội dung: Chúng ta vẫn đang để mặc trái đất tiếp tục ấm lên. “Hãy đối diện với sự thực. Hãy thực hiện 3 cột trụ chính của chính sách khí hậu, đó là cắt giảm khí thải, thích nghi với biến đổi khí hậu và đền bù tổn thất do biến đổi khí hậu” - Thư ngỏ nêu và cho biết các quốc gia giầu có vẫn không thực hiện đầy đủ lời hứa cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo nhất, để giúp đối phó với biến đổi khí hậu. Món nợ tín dụng này đã làm cho hình thái khí hậu trái đất ngày một ảm đạm hơn.
Vậy, COP27 có thể giúp được gì cho khí hậu trái đất?
Tờ La Croix (Pháp) có bài phân tích với tiêu đề: ‘‘COP27: 100 tỷ USD nằm ở tâm điểm căng thẳng’’. Theo đó, lời hứa từ năm 2009 của khối các nước công nghiệp phát triển “hóa ra cũng chỉ là lời hứa” nên trái đất tiếp tục bị hâm nóng. COP27 do đó vừa là cuộc chiến khí hậu lẫn cuộc chiến tín dụng: yêu cầu các nước giàu phải thực hiện lời hứa về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với biến đổi khí hậu.
Mạnh mẽ hơn, tờ báo tài chính La Tribune nhấn mạnh, COP27 ở Ai Cập lần này phải là “cuộc chiến tín dụng” trước khi là “cuộc chiến khí hậu”. Bởi nếu các nước giàu vẫn từ chối nghĩa vụ đóng góp tài chính thì mọi nỗ lực kêu gọi chống biến đổi khí hậu cũng sẽ vô nghĩa.
COP27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh (Ai Cập), từ ngày 6-18/11/2022. Hơn 35.000 đại biểu quốc tế, trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới sẽ tham dự sự kiện. Đại biểu tham dự COP27 sẽ tập trung thảo luận vào việc giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề tài chính và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, hiện có tới 7,6 tỷ người, tương ứng với 96% dân số thế giới “đã cảm nhận rõ” tác động của tình trạng trái đất ấm lên, nhiệt độ tăng. Theo tiến sĩ Jane Goodall - nhà nghiên cứu linh trưởng học, trái đất đang thay đổi nhanh chóng tiến gần đến điểm không thể quay lại theo đúng nghĩa đen. “Hãy nhìn khắp thế giới xem điều gì đang xảy ra với biến đổi khí hậu. Thật kinh hoàng!".