Sau 15 năm đổi mới, kinh tế tập thể, chúng ta đã làm được những gì? Cần tháo gỡ những gì để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển? Đó là những vấn đề căn cốt sẽ được giải đáp khi tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về vấn đề này.
Kinh tế hợp tác là điều kiện để phát triển nông nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu.
Tại cuộc họp chiều 6/11, phát biểu tại đây, đại diện các bộ, ngành đều cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), nhận thức của hệ thống chính trị, của toàn xã hội về kinh tế tập thể đối với sự phát triển của đất nước đã có những chuyển biến rõ nét, xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả cao.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng là phải đánh giá cho được thực trạng của kinh tế tập thể hiện nay, cả về mặt số lượng, chất lượng, tính bền vững của loại hình kinh tế này. Trong đó chú trọng đánh giá vấn đề đất đai, tín dụng tài chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thực trạng vai trò của quản lý nhà nước với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác.
Vấn đề kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, bởi nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, địa bàn nông thôn có tới gần 70% dân số sinh sống. Còn nhớ, chiều 21/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với Liên minh HTX Việt Nam về tình hình phát triển kinh tế hợp tác và HTX.
Tại đây, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một số văn bản mới để hỗ trợ HTX. Tính tới thời điểm này, cả nước có 20.767 HTX, số thành viên của HTX là 6,5 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 895 HTX được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 HTX yếu kém phải giải thể, trong số các HTX mới ra đời thì 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương đang đẩy mạnh thành lập mới HTX và mạnh dạn giải thể các HTX “bình mới rượu cũ” để có dư địa thành lập các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, các HTX thành lập mới và tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh, đến cuối tháng 6/2018 có khoảng 1.200 HTX, tăng 21% so với cuối năm 2017.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tổ chức, sắp xếp lại, giải tán HTX yếu kém, bao cấp, “bình mới rượu cũ” là cần thiết. Thủ tướng cũng lưu ý, sản xuất kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay có sức cạnh tranh thấp và cần tổ chức lại, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp đó, ngày 18/8, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 98 và Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 15.000 HTX phải trở thành hạt nhân để liên kết với doanh nghiệp, từ đó, tạo thành hệ thống để đồng trục 8,6 triệu hộ nông dân cùng các HTX, các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, hoàn chỉnh chu trình sản xuất khép kín trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. “Nếu HTX làm đúng nghĩa, tự nguyện, theo hướng thị trường, chắc chắn mô hình này sẽ trở thành thành tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp”- ông Cường nhấn mạnh.
Thực ra thì việc xây dựng HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không mới. Đã từng có thời kỳ HTX được coi là “duy nhất” để phát triển nông nghiệp, kể cả tiểu thủ công nghiệp. Nhưng rồi, khi bước vào cơ chế thị trường, dường như mọi sự đã thay đổi. Việc chấm công, tính điểm của HTX lại bị coi là cản trở sự phát triển. Đã có thời, người ta “sợ” khi nói đến HTX.
Nhưng rồi trong quá trình phát triển ấy, người ta lại thấy rằng, nếu không có sự liên kết - đoàn kết, mà ở đây là hình thức HTX thì từng hộ cá thể không thể giàu lên được. Đó là do khó khăn về vốn, sức lao động, tích tụ ruộng đất, trao đổi hàng hóa nông sản... Mà cũng chính vì thế mà các HTX đã hoạt động trở lại, tuy rằng không phải ở đâu, lúc nào cũng thuận lợi.
Khi HTX quay trở lại, liệu có là “bình cũ, rượu mới”? Đó là băn khoăn của không ít người, không ít địa phương. Vấn đề là bình mới thì rượu cũng phải mới, chỉ có như thế mới đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. HTX bây giờ không thể giống như HTX cách đây vài ba chục năm- theo kiểu cán bộ HTX lãnh đạo nông dân, mà phải là HTX cung ứng dịch vụ cho người nông dân.Trong đó có vấn đề đất đai, tín dụng tài chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cung cấp giống tốt, phân bón tốt, thuốc bảo vệ thực vật tốt.
Mấu chốt của vấn đề không phải là có HTX hay không, mà phải là HTX đó như thế nào. Người nông dân cần HTX để không lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”, để không phải treo chuồng, treo vườn, treo ao. Rồi đây, khi tổng kết 15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX, những gì được, chưa được sẽ được phân tích, mổ xẻ. Lúc đó con đường phía trước của HTX sẽ sáng rõ hơn. Nhưng muốn gì thì muốn, người nông dân hy vọng làm sao nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải thực sự phát triển. Để không còn cái cảnh ly nông lẫn ly hương. Không còn cảnh trong làng chỉ có người già, trẻ con, còn thanh niên đã rời làng tới các đô thị, vào các khu công nghiệp. Đó cũng chính là mấu chốt khi xây dựng HTX, kinh tế tập thể vậy.
* Tính tới thời điểm này, cả nước có 20.767 HTX, số thành viên của HTX là 6,5 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 895 HTX được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 HTX yếu kém phải giải thể, trong số các HTX mới ra đời thì 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương đang đẩy mạnh thành lập mới HTX và mạnh dạn giải thể các HTX “bình mới rượu cũ” để có dư địa thành lập các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đến nay, các HTX thành lập mới và tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh, đến cuối tháng 6/2018 có khoảng 1.200 HTX, tăng 21% so với cuối năm 2017.