Covid-19 chưa hạ nhiệt

Hà Anh 13/01/2021 06:54

Ngày 12/1, thế giới vẫn nóng khi ghi nhận hơn 91 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 1,9 triệu người chết, điều này khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa kêu gọi tài trợ cho chương trình vaccine toàn cầu mang tên COVAX.

Một bức tường với hình cổ động phòng chống dịch Covid-19, ở Depok, ngoại ô Jakarta, Indonesia Ảnh: REUTERS.

1. Thống kê của trang worldometers.info, tới sáng ngày 12/1, các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.249 ca mắc bệnh Covid-19 so với một ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 37.290 người.

Trong 24 giờ qua, ASEAN chỉ có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên.

Trong đó, Indonesia vẫn được coi là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 836.718 ca nhiễm, tăng 8.692, trong đó 24.343 người chết, tăng 214. Chính phủ Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, đất nước sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng vào ngày 13/1. Ngay trong ngày 12/1, Ban Thư ký Tổng thống Indonesia thông báo, Tổng thống Joko Widodo sẽ nhận mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 miễn phí được bắt đầu thực hiện vào ngày 13/1.

Tại Malaysia, tình hình ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.232 ca bệnh mới, 16 ca tử vong vì Covid-19 trong một ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều thứ 3 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.

Ngày 12/1, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài đến ngày 1/8 hoặc có thể được rút ngắn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, ngày 11/1, Thủ tướng Malaysia cũng đã ban bố lệnh cấm đi lại toàn quốc và phong tỏa trong 14 ngày ở thủ đô Kuala Lumpur và 5 bang. Cùng ngày, toàn bộ Nội các Malaysia đã được xét nghiệm sau khi 2 bộ trưởng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Philippines, dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 11 người thiệt mạng.

Giới chức Philippines hôm 11/1 cho biết, nước này đã bảo đảm 30 triệu liều vaccine Covid-19 do Hãng dược Mỹ Novavax phát triển. Philippines hy vọng sẽ đảm bảo được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, Manila cũng cảnh báo rằng lượng vaccine sẽ phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu. Nhìn chung, sau giai đoạn đỉnh dịch, tình hình Covid-19 tại Philippines đang hạ nhiệt dần.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng.

Cùng với đó, ngày 12/1, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị bơm 200 tỷ baht (khoảng 6,6 tỷ USD) hỗ trợ tài chính để đối phó với những điều kiện kinh tế đang xấu đi trong cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 kéo dài. Các chi tiết về những chính sách sắp tới dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp Nội các ngày 12/1.

2. Theo nguồn tin mới nhất từ trụ sở Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, mức độ lây nhiễm Covid-19 không hề giảm tại châu Âu.

Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên EU đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh.

Theo đó, tính đến hết ngày 11/1, tại Anh ghi nhận 3.118.518 ca nhiễm và 81.960 ca tử vong, tăng lần lượt 46.169 và 529 ca. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng Covid-19 mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này đang trong “cuộc chạy đua với thời gian” nhằm triển khai vaccine Covid-19 khi số ca tử vong liên tục lập kỷ lục và bệnh viện hết nguồn cung oxy. Nhiều cố vấn y tế hàng đầu nước này cũng nhận định những tuần tồi tệ nhất đang cận kề.

Tại Pháp ghi nhận thêm 3.582 ca nhiễm và 310 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.786.838 và 68.060. Pháp hiện bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Kể từ ngày 27/12 đến ngày 6/1, Pháp tiêm phòng cho 7.000 người, trong khi Đức tiêm cho hàng trăm nghìn người trong cùng khoảng thời gian.

Cùng với đó, Đức cũng ghi nhận 1.941.119 ca nhiễm và 42.097 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày, tăng lần lượt 11.765 và 663 ca so với một ngày trước đó. Thủ tướng Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch sẽ diễn biến nghiêm trọng trong những tuần tới, thêm rằng tác động của việc giao tiếp xã hội trong dịp Giáng sinh và Năm mới vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Đặc biệt, ngày 12/1 (giờ Việt Nam), Reuters trích nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha xác nhận, ông Marcelo Rebelo de Sousa đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, song đến nay chưa cho thấy bất cứ triệu chứng nào. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Colombia Claudia Blum cũng thông báo bà đã có kết quả dương tính với virus SARS-Cov-2 sau khi tiến hành làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

3. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, WHO đang tiếp tục đẩy mạnh những lời kêu gọi nhằm tìm kiếm nguồn vaccine Covid-19 cho những nước nghèo trong chương trình COVAX, với hy vọng chương trình tiêm chủng tại các quốc gia này có thể bắt đầu từ tháng 2. Chương trình này do WHO dẫn dắt nhằm mục đích phân phối vaccine bình đẳng trên toàn thế giới, đã quyên góp được 6 tỷ USD để đặt mua 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cùng tùy chọn mua thêm một tỷ liều nữa.

WHO lo ngại những nước có thu nhập cao và trung bình sẽ thu mua toàn bộ nguồn cung vaccine, khiến 92 quốc gia thu nhập thấp không có vaccine để tiêm chủng cho nhân viên y tế.

“Chúng tôi tự tin có thể bắt đầu tiêm chủng tại các nước đó từ tháng 2, nhưng chúng tôi không thể làm điều này một mình. Chúng tôi cần sự phối hợp của các nhà sản xuất vaccine để ưu tiên nguồn hàng cho COVAX, cần phải đưa vaccine tới tay những người thu nhập thấp hoặc trung bình thấp”- cố vấn cấp cao WHO Bruce Aylward nói.

Ngày 12/1, giới chức Nga thông báo, nước này sẽ gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh đến ngày 1/2 tới, nhằm hạn chế sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh. Trước đó, Nga đã ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ Anh từ ngày 22/12 và đã báo cáo một trường hợp nhiễm biến thế mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 chưa hạ nhiệt