CPTPP: Đánh giá cụ thể tác động, có giải pháp thích hợp tránh bất lợi

M.Loan-H.Vũ (ghi) 02/11/2018 16:43

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cần đánh giá cụ thể tác động của Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam để có giải pháp thích hợp tránh bị bất lợi trong thương mại quốc tế.

CPTPP: Đánh giá cụ thể tác động, có giải pháp thích hợp tránh bất lợi

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (Ảnh: Quang Vinh).

Ngày 2/11, phát biểu tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội cần phê chuẩn trong 1 kỳ họp để thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong thời gian tới.

Bày tỏ quan điểmnhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng: Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trước đây, cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Việc tham gia hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Theo Người đứng đầu Mặt trận: Việc tuân thủ trình tự thủ tục đề xuất phê chuẩn đã cơ bản đảm bảo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên cần bổ sung tài liệu các bản ghi nhớ, thư song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP vì đây là văn kiện liên quan được đề nghị xem xét, phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP.

Theo đó, cần tiếp tục bổ sung đánh giá tổng thể về các cam kết phi thương mại trong đó có vấn đề về môi trường, chống tham nhũng và minh bạch hóa và vấn đề sửa đổi, bổ sung pháp luật về hình sự.

Đặc biệt, cần có sự đánh giá tác động sâu sắc hơn về những thuận lợi, cơ hội từ CPTPP mang lại và những thách thức, lưu ý đến các thách thức liên quan đến tiêu chuẩn lao động và công đoàn, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó, phần về thách thức và giải pháp, liên quan đến lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin, cần tiếp tục cập nhật để phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân nhằm giảm tác động nhất định phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.

Đánh giá về tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định CPTPP với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, về cơ bản các quy định của Hiệp định CPTPP, các thư song phương và bản ghi nhớ không có quy định trái với Hiến pháp 2013 nhưng có một số nội dung chưa được quy định, hoặc trái với các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của nước ta. Do đó cần phải có lộ trình cụ thể để sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài việc rà soát đối với 265 văn bản (8 luật, và các văn bản dưới luật là Nghị định, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ) cần cân nhắc để rà soát thêm cả các văn bản của cấp Bộ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ.

Về cam kết của Việt Nam trong các văn kiện liên quan của Hiệp định CPTPP bao gồm 64 thư trao đổi song phương và 2 bản ghi nhớ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan trình cần rà soát xem cam kết có thể áp dụng trực tiếp các cam kết rồi luật hóa mới. Hồ sơ trình cũng cần làm rõ cơ sở để đưa ra các ngoại lệ trong các cam kết song phương, đảm bảo tác động của việc áp dụng các cam kết này, đặc biệt là đối với các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ do chịu tác động của nguyên tắc đối xử đã được quy định trong CPTPP.

“Trong trường hợp các cam kết song phương không thể áp dụng trực tiếp, cơ quan trình cần thuyết minh rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước có liên quan”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Lưu ý “Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán với 16 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có nhiều hiệp định FTA có chung đối tác thương mại như: Nhật Bản - Việt Nam; ASEAN - Nhật Bản; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản; Hàn Quốc - Việt Nam; ASEAN - Hàn Quốc; Việt Nam - Hàn Quốc; Australia – New Zealand - Việt Nam; ASEAN – Australia - New Zealand.

Đồng thời Việt Nam đang đàm phán hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand dẫn đến Việt Nam cũng có một số đối tác thương mại sẽ bị ràng buộc bởi nhiều hiệp định FTA khác nhau với các quy định mức độ ưu đãi và khó khăn khác nhau”.

Vì vậy, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, cần đánh giá cụ thể tác động để có giải pháp thích hợp tránh bị bất lợi trong thương mại quốc tế. “CPTPP là Hiệp định FTA thế hệ mới có phạm vi rộng và độ sâu cam kết rất lớn, cho nên Chính phủ cần đánh giá vấn đề nêu trên có báo cáo giải trình thêm trước khi trình ra Quốc hội thảo luận”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    CPTPP: Đánh giá cụ thể tác động, có giải pháp thích hợp tránh bất lợi