Trong nhiều năm trở lại đây, thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác trên cả nước xuất hiện ngày một nhiều hơn các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Thực tế này đang dấy lên mối lo ngại đối với sự tồn tại của các cửa hàng tạp hóa truyền thống hiện nay.
Các cửa hàng tạp hóa đang bị lép vế trước sự tiện lợi của siêu thị mini.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới
Đi dọc tuyến phố Tây Sơn, Hà Nội, dễ dàng nhận thấy tại con phố này mọc lên rất nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và đây là những kênh bán hàng thu hút khá đông đảo người tiêu dùng. Tương tự, tại các phố lớn như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Nguyễn Lương Bằng, Bà Triệu… nhiều thương nhân đã nắm bắt cơ hội đầu tư các cửa hàng tiện lợi theo đúng xu hướng của thị trường.
Đây cũng là quy luật, khi các “đại gia” nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam, kéo theo đó là các hình thức bán lẻ mới và tất yếu, thị trường sẽ bị “cuốn” theo xu hướng ngày càng hiện đại đó.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đúng nghĩa là tiện lợi. Ở đó hầu như không thiếu một thứ gì, và khi thanh toán cũng nhanh gọn, chính xác. Ngược lại với xu hướng này, các cửa hàng tạp hóa – kênh bán lẻ truyền thống đã tồn tại nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam – lại đang dần trở nên lỗi thời.
Chị Trần Phương Lan, ở phố Tây Sơn, Hà Nội cho biết, giờ bước chân ra là có các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nên việc mua sắm nhanh gọn và dễ dàng hơn trước rất nhiều. Theo chia sẻ của chị Lan, thay vì chọn các cửa hàng tạp hóa, chị Lan mua ở các siêu thị mini vì ở đó, hàng hóa được bày bán khá quy củ chứ không lộn xộn, nhộn nhạo như các cửa hàng tạp hóa. Người tiêu dùng có nhu cầu gì mua gì là có thể đến kệ bán sản phẩm đó, rất thuận tiện không khác gì đi các siêu thị lớn.
Có thể thấy, không chỉ xuất hiện ở các phố lớn, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang xâm chiếm vào từng ngóc ngách, từng khu dân cư và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Theo một báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam vừa công bố mới đây, cho thấy, ngoài yếu tố giá cả còn có 5 yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay bao gồm: Sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa tiệm (51%) và sắp xếp/phân loại hàng hóa hợp lý (51%) .
Lo ngại số phận kênh bán hàng truyền thống
Điều này đặt ra những lo ngại đối với các kênh bán hàng truyền thống như chợ cóc, cửa hàng tạp hóa. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân Việt Nam là ưa sự thuận tiện và chất lượng của sản phẩm nên các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều hơn, thay thế dần các kênh bán hàng truyền thống.
Liệu đây có phải là một cảnh báo đối với “số phận” của các kênh bán lẻ truyền thống? Nhất là khi Việt Nam đã mở cửa sâu rộng, sự thâm nhập của các đại gia bán lẻ nước ngoài với cơ sở hạ tầng hiện đại, cung cách phục vụ thân thiện… chắc chắn sẽ là mối đe dọa lớn đối với các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống của Việt Nam.
Theo nhận định của TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), quan sát thị trường thời gian gần đây, cho thấy sự gia tăng ngày một lớn của các siêu thị chuyên doanh, đặc biệt là các siêu thị nhỏ xuất hiện ở các ngõ ngách, len lỏi vào tận các khu dân cư. Đây cũng là một thế mạnh của ngành bán lẻ nước nhà trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại.
Mặc dù bày tỏ những lo ngại về sự tồn tại của các kênh bán hàng truyền thống, song theo TS. Khôi, đây vẫn là kênh còn nhiều dư địa vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn chuộng kênh truyền thống. Đặc biệt, các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng chưa thể vươn xa được đến các khu vực nông thôn, vùng sâu xa, miền núi, do đó, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn có nhiều “đất sống”.
Còn theo nhận định của Nielsen Việt Nam, mua bán ở kênh truyền thống gồm cửa hàng tạp hóa và các khu chợ ở Việt Nam vẫn chiếm tới 87% phân khúc ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Theo Nielsen, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi dù có tăng nhanh trong thời gian qua, song cũng vẫn còn tới 70% dân số sống ở nông thôn mà kênh phân phối này chưa thể chạm tới được.
Ngay ở các khu đô thị lớn, một bộ phận dân cư vẫn chọn cửa hàng tạp hóa. Mặc dù vậy, với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi của người dân Việt Nam chuộng sự tiện ích và cung cách phục vụ… thì các kênh bán hàng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) cũng cần phải có những cải tiến, thay đổi nếu không muốn bị bật khỏi thị trường.