Một cuộc chiến cam go đã được các nhà quan sát cảnh báo ngay khi Mỹ và các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tuyên bố rút hết quân khỏi Afghanistan, sau 20 năm có mặt tại đây.
Lặng lẽ rút quân
Ngày 7/7, Quân đội Mỹ thông báo đã hoàn thành hơn 90% tiến trình rút quân khỏi Afghanistan, trong nỗ lực kết thúc nhanh chóng cuộc chiến kéo dài 20 năm tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, một động thái gây bất ngờ cho phía Afghanistan khi đêm 5/7, lính Mỹ lặng lẽ rút khỏi căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan mà không thông báo cho chỉ huy mới của căn cứ là người địa phương.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 7/7, Thống đốc tỉnh Badghis (Afghanistan), ông Hessamuddin Shams cho biết, lực lượng Taliban đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào phía Tây thành phố Qala-i-Naw, thủ phủ của tỉnh Badghis, kể từ khi bắt đầu phát động một cuộc tấn công lớn chống lại Chính phủ.
Hãng tin AP dẫn lời giới chức quân sự Afghanistan cho biết, hơn 2 tiếng sau khi quân Mỹ rút họ mới biết tin. Phát ngôn viên quân đội Mỹ Sonny Leggett không đề cập tới thông tin từ phía Afghanistan mà nhắc tới một tuyên bố được đưa ra từ tuần trước cho hay, việc bàn giao căn cứ đã được tiến hành ngay, sau thông báo hồi tháng 4 của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ rút lực lượng cuối cùng tại Afghanistan.
Theo quân đội Mỹ, Bộ Chỉ huy Trung tâm đã chính thức bàn giao 7 căn cứ cũ của Mỹ cho các lực lượng an ninh Afghanistan và tiến hành sơ tán lượng trang thiết bị khỏi quốc gia Nam Á này. Cùng ngày, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định, những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi lãnh thổ Afghanistan từ nay đến cuối tháng 8, tức hoàn tất trước thời hạn chót 1/9.
Tướng Mir Asadullah Kohistani, chỉ huy mới của Căn cứ Bagram cho biết, quân đội Mỹ để lại căn cứ 3,5 triệu món đồ khi rút đi, giá trị nhất trong đó là hàng chục ngàn xe dân sự và hàng chục xe bọc thép, bên cạnh vũ khí nhỏ, đạn dược các loại, hàng chục ngàn chai nước uống, nước tăng lực…
Tướng Kohistani cho rằng, 20 năm Mỹ và NATO tham chiến tại Afghanistan “được đánh giá cao”, song đã tới lúc Afghanistan phải tự đứng trên đôi chân của mình. “Chúng ta phải giải quyết vấn đề của mình. Chúng ta phải bảo vệ đất nước của mình và một lần nữa xây dựng đất nước bằng chính đôi tay của mình”- tướng Kohistani nói.
Tuần trước, các lực lượng Mỹ và NATO đã chuyển giao căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul cho chính phủ Afghanistan. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của các lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thủ đô nước này. Mỹ được cho là sẽ duy trì từ 650 quân nhân trở lên tại Afghanistan để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ và các nhà ngoại giao.
Cục diện mới ở Afghanistan
Khủng bố và bạo lực đã trở thành vấn đề lớn nhất tại Afghanistan kể từ cuối năm 2020, và đặc biệt là những tháng đầu năm 2021 khi sát thời hạn chót cuối tháng 4 Mỹ phải rút hết quân đội khỏi quốc gia Nam Á này. Đây là thời hạn trong Thỏa thuận Hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký với Taliban tháng 2/2020.
2 ngày nay, Chính phủ Afghanistan đã tiến hành các chiến dịch tấn công và không kích đáp trả nhằm Taliban, khiến hàng chục tay súng của nhóm nổi dậy này thiệt mạng. Người phát ngôn chính quyền tỉnh Badakhshan cho biết: “Các cuộc không kích trên không và tấn công trên bộ của lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan ở ngoại ô thủ phủ Fayzabad đã khiến Taliban chịu thương vong nặng nề, nhiều khu vực được giải phóng”.
Chiến sự Afghanistan đang nóng lên, đặc biệt là sau khi Taliban tấn công ồ ạt, chiếm cứ một số quận, huyện thuộc tỉnh Badakhshan của Afghanistan hôm 4/7 vừa qua, khiến hơn 1.000 binh sĩ phải tháo chạy sang quốc gia láng giềng Tajikistan trong khi khoảng 2.300 binh sĩ Afghanistan phải rời bỏ vị trí của mình. Ngoài ra, trên các trang truyền thông địa phương, nhiều vụ binh sĩ quân đội Afghanistan đã giao nộp vũ khí cho phía Taliban cũng được công bố.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib, hiện các binh sĩ Afghanistan từng rời bỏ vị trí chiến đấu đã quay trở lại cuộc chiến chống Taliban; trong khi số binh sĩ bỏ sang Tajikistan cũng đang được đưa trở lại bằng đường hàng không. Giao tranh giữa 2 bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Taliban vẫn đang tiến hành nhiều vụ đánh bom trên khắp Afghanistan trong ngày 6/7.
Người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan, ông Abdullah lo ngại: “Với việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, cuộc chiến tại đây trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Việc rút quân đã để lại những khoảng trống ở một số nơi. Thật không may, Taliban đã lợi dụng cơ hội này, bất chấp việc các bên đang đàm phán ở Doha, Qatar”.
Afghanistan với vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Chính bởi vậy, bất cứ một sự thay đổi nào ở đất nước này cũng sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới khu vực. Một khi đất nước Afghanistan trở lại với vòng nội chiến và bạo lực, nơi đây sẽ trở thành trung tâm bất ổn không chỉ với các nước láng giềng.
Bài toán thời kỳ hậu rút quân
Trước sức ép từ dư luận, rằng làm thế nào để đảm bảo thành quả tiến bộ trong 20 năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đưa ra nhiều lời hứa sẽ thúc đẩy hợp tác về ngoại giao, kinh tế cũng như an ninh quốc phòng với Afghanistan sau khi rút quân. Ông Biden cũng bàn đến việc đưa công dân Afghanistan từng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến rời khỏi đất nước với giới lãnh đạo Afghanistan trong chuyến thăm Mỹ mới đây.
Cùng với đó, ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Đức cũng thông báo đã cấp 2.400 thị thực cho nhân viên bản địa đã hỗ trợ quân đội nước này trong những năm qua, cùng thân nhân của họ được sang Đức.
Trong khi đó, London tuyên bố sẽ vẫn giữ quyền tấn công ở Afghanistan từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia này, sau khi rút quân, để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Còn Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thuộc NATO cũng đang quan tâm đến việc tiếp quản an ninh tại sân bay thủ đô Kabul, Afghanistan sau khi các nước NATO rút hết quân.
Nhiều bước đi đã được các nước phương Tây tính toán sau khi rút hết quân ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, như lời Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi Mỹ với các đồng minh rút quân, Afghanistan sẽ phải tự quyết định tương lai của mình: bạo lực hay hòa bình, đối thoại hay xung đột sẽ do các bên Afghanistan quyết định.