Bác tôi làm ngành y, không chỉ làm ở bệnh viện, bác còn mở phòng khám tư với rất đông bệnh nhân. Công việc bận rộn nên hầu như mọi việc chăm sóc con cái, đối nội đối ngoại 2 bên đều do bác gái phụ trách. Đến khi người con lớn thi đại học, bác gợi ý con tiếp tục thi đại học y để nối nghiệp mình. Nhưng từ chối tương lai rộng mở, anh họ tôi nhất định thi trường khối kinh tế. Khuyên can hết lời nhưng bác tôi cũng không thể thay đổi ý định của anh.
Tới người con gái thứ hai, bác mở chiến dịch “mưa dầm thấm lâu”, định hướng trước từ khi con học cấp 3. Kết quả là chị họ tôi theo ngành y dù không thực sự yêu thích. Tới bây giờ, sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, chị tôi bảo mới bắt đầu cảm nhận được tình yêu với công việc mà mình đã chọn bởi không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn việc người bệnh được chữa khỏi rưng rưng cảm ơn mình. Cũng có những nỗi buồn khi chứng kiến bệnh nhân của mình gục ngã mà không thể can thiệp được gì. Tự dặn lòng phải nỗ lực học tập, trau dồi nhiều hơn để không đầu hàng trước những ca bệnh khó…
Kể lại câu chuyện này để thấy, công việc, suy nghĩ, lời khuyên của cha mẹ đối với con cái thực sự có ảnh hưởng rất lớn trong việc chọn nghề nghiệp theo đuổi sau này của mỗi người trẻ. Nhưng không ít trường hợp, đôi khi vì quá yêu thương con mà cha mẹ sẽ sa vào những sai lầm “đáng trách” như không chịu lắng nghe và thiếu tôn trọng những mong muốn của con; áp đặt những suy nghĩ của mình vào con cái với ý nghĩ rằng: “Con mình còn nhỏ, còn chưa biết gì!”.
Cũng có bậc cha mẹ bỏ mặc con; coi trọng hình thức của nghề hơn giá trị thực sự của nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; hướng nghề nhưng không căn cứ vào khả năng; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý nhiều đến cơ hội xin việc hơn phát huy sở trường,… Tất cả điều đó sẽ không bao giờ có thể khiến học sinh thành công được bởi điều quan trọng là cha mẹ cần để con có đủ khả năng để chống chọi và giành được thành công đó.
Vậy làm thế nào để cha mẹ đồng hành tốt nhất cùng con trong việc chọn ngành, chọn trường trước ngưỡng cửa vào đại học, cao đẳng hay chọn lối rẽ cho riêng mình? TS giáo dục học Võ Văn Nam, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đưa ra lời khuyên đó là người cha làm mẹ phải luôn nhớ là nên để con tự quyết định tương lai của mình.
Ai cũng lo lắng nhưng chỉ hãy hỗ trợ cho con bình tâm. Để đồng hành lựa chọn ngành nghề cho con, trước hết là dựa vào sở thích của con, bởi khi con thích mới hết lòng hết dạ đeo đuổi và đạt đỉnh cao nghề nghiệp.
Thứ hai, để lựa chọn đúng ngành nghề, phụ huynh phải hướng con nhận ra sở trường, năng lực nổi trội nhất. Và cuối cùng là điều kiện gia đình, điều kiện xã hội cả hiện tại lẫn tương lai. Giả sử hiện ngành này đang “hot” nhưng 4, 5 năm nữa bão hòa, thậm chí dư dôi thì cơ hội nghề nghiệp lại rất mong manh.