Ngày 12/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta sau Đại hội XII của Đảng. Thời gian qua, quan hệ Việt - Trung có sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ thắt chặt thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước láng giềng anh em. Nhân dịp này, hai nước cũng sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác trê
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2011.
Về quan hệ song phương, giao lưu và tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa hai nước được duy trì và dưới các hình thức linh hoạt, trong đó, giao lưu kênh Đảng ngày càng phát triển sâu rộng. Hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020 (4/2015). Trao đổi đoàn cấp cao theo kênh Đảng tiếp tục được duy trì. Hai bên phối hợp luân phiên tổ chức 12 cuộc Hội thảo lý luận thường niên giữa hai Đảng nhằm trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng, quản lý đất nước.
Bên cạnh đó, hợp tác đào tạo cán bộ được triển khai hiệu quả; hai bên đã hoàn thành mục tiêu tổ chức 1.500 lượt cán bộ Việt Nam sang nghiên cứu, học tập, khảo sát tại Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 và đã ký Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, theo đó, Trung Quốc tiếp nhận 1.500 lượt cán bộ Việt Nam sang nghiên cứu, học tập và khảo sát…
Về hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục được duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực. Hai bên đã ký kết và đang đẩy mạnh triển khai hiệu quả “Chương trình hành động thực hiện quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, trong đó có việc thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ. Hai bên đã thành lập Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (11/2006) và đã tiến hành 9 phiên họp (lần gần đây nhất là vào tháng 6-2016). Nhiều thỏa thuận giữa các bộ, ngành hai bên được triển khai trên cơ sở cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác...
Một điểm sáng khác là hợp tác kinh tế, thương mại. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển với tốc độ cao, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2015, theo số liệu thống kê của Việt Nam đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,7%. Kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó Việt Nam xuất khẩu 17,3 tỷ USD, tăng 24%; nhập khẩu 40,2 tỷ USD, giảm 1,4%. Hai bên đề ra mục tiêu đến năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD; nhất trí thúc đẩy các dự án kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”…
Tuy nhiên, đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc có quy mô bình quân nhỏ. Còn, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, lũy kế đến tháng 10/2016 có 1.522 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, đứng thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng diễn ra sôi nổi, góp phần vào thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức được 16 cuộc Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung và 8 Diễn đàn nhân dân Việt - Trung (lần gần đây nhất là từ 5 - 9/12/2016), Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung.
Về Biển Đông, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng về việc giải quyết thỏa đáng bất đồng và tranh chấp trên biển trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Hai bên nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung và thỏa thuận cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung; kiên trì thông qua trao đổi và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tích cực bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên;nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Đảng ta được kỳ vọng sẽ thắt chặt thêm sự hiểu biết lẫn nhau của hai nước láng giềng anh em. Nhân dịp này, hai nước cũng dự kiến ký thêm nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.