Các tỉnh miền Trung đã có kế hoạch sẵn sàng cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán của người dân.
Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, các DN tỉnh đã chủ động nguồn hàng phục vụ Tết với tổng số vốn 157 tỷ đồng. Các DN đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa phục vụ tết như: Gạo tẻ 5.500 tấn; gạo nếp 1.800 tấn; thịt lợn 3.000 tấn; thịt trâu, bò 700 tấn; thịt gia cầm 900 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh 100 tấn; rau củ quả 600 tấn; bánh kẹo 800 tấn; xăng dầu khoảng 12.000m3...
Đặc biệt, các DN đã chủ động mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa; thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, các hội chợ thương mại ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa…
Tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết là thành phố lớn của khu vực miền Trung, dịp Tết nguyên đán, các DN đã chuẩn bị tổng lượng hàng trị giá khoảng 600 tỷ phục vụ cho nhu cầu mua sắm hàng hoá Tết của bà con, trong đó đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, bánh mứt. Bên cạnh đó, các DN cũng sẽ cung cấp 35 tấn thịt heo với giá bình ổn, bán trong 6 ngày cận Tết với mức giá thấp hơn giá thị trường 10-15%, nhằm mục đích không để giá cả thị trường tăng đột biến. Đối với mặt hàng gạo, các siêu thị, đầu mối gạo đã cam kết trữ đủ số lượng để phục vụ cho người dân trước trong và sau Tết.
Ngoài ra, các DN đã đăng ký khoảng 1.000 chương trình giảm giá khuyến mãi với mức giảm khoảng 100 tỷ đồng tại các siêu thị, điểm bán hàng của DN, bên cạnh đó còn có các chương trình giảm giá khuyến mãi tại các đợt bán hàng do Sở Công thương tổ chức tại các điểm vùng sâu vùng xa , khu công nghiệp cho bà con nông thôn miền núi và công nhân.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, kế hoạch, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Đinh Dậu lên tới 12.000 tấn gạo; 1.875 tấn thịt heo; 750 tấn thịt bò; 600 tấn thịt gà; 13.500 tấn rau củ quả; 750 tấn thực phẩm chế biến… Để bảo đảm đủ lượng hàng hóa này, Sở Công thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nguồn hàng dự trữ đạt khoảng 1.372 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dịch vụ lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tại TP. Quy Nhơn chiếm khoảng 919 tỷ đồng, phần còn lại từ các huyện, thị xã.
Để bình ổn giá, tỉnh dự kiến tạm ứng từ ngân sách 31 tỷ đồng để thực hiện bình ổn giá thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ phân bổ kinh phí 12 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu, kết hợp đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết. Thời gian bán hàng bình ổn giá từ ngày 1/11/2016 đến 28/2/2017.
Theo đó, nhóm hàng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn giá gồm 9 nhóm mặt hàng, cụ thể: Gạo nếp, đường, gia vị (dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm, nước nắm, …), thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và bánh kẹo sẽ được bán với giá thấp hơn giá thị trường từ 5% -10%.