Công nhân băn khoăn, rằng khoa học công nghệ vẫn đang phát triển, xã hội vẫn đang cập nhật công nghệ tiên tiến từng ngày, từng giờ, vậy tại sao phải gọi là cuộc cách mạng? Rồi những người công nhân như họ sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc cách mạng đó thế nào?
Anh Minh Hoàng thân mến,
Hôm qua, đi làm về có tôi có vào Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thăm một người bạn, và cũng thật tình cờ tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của những người công nhân, họ say sưa tranh luận về cuộc cách mạng 4.0. Một cái gì đó thật xa nhưng cũng rất gần bởi có nguy cơ ảnh hưởng đến chính công việc hàng ngày của họ.
Lo lắng của họ hoàn toàn có cơ sở anh ạ! Tôi được biết, thời gian gần đây một số công ty như Canon, Công ty may 10… cũng đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho công nhân. Trung bình một máy cắt ở xí nghiệp may có thể thay thế cho 15 lao động trong dây chuyền, trong khi thời gian hoàn vốn chỉ là 18 tháng. Một bài toán dễ dàng nhìn ra đáp án. Kinh doanh thì phải vì lợi nhuận, sẽ có không ít doanh nghiệp lựa chọn hình thức này.
Và cũng qua câu chuyện của họ tôi biết, hiện không ít công nhân băn khoăn, rằng khoa học công nghệ vẫn đang phát triển, xã hội vẫn đang cập nhật công nghệ tiên tiến từng ngày, từng giờ, vậy tại sao phải gọi là cuộc cách mạng? Rồi những người công nhân như họ sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc cách mạng đó thế nào?
Anh đang sống ở Mỹ - nơi có một nền khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ chắc anh hiểu cuộc cách mạng 4.0 này. Tôi cũng biết, đến nay đã có sự nhìn nhận thống nhất về ba cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra.
Cuộc thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi đại chiến thế giới lần thứ nhất xảy ra, với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy với năng lượng điện.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet. Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,…
Anh biết không, hiện tỉ lệ lao động phổ thông ở Việt Nam còn rất cao. Cả nước có tới 54 triệu lao động, nhưng có tới gần 70% làm việc phi chính thức, lao động chân tay. Trong số 2,8 triệu công nhân lao động trong khu công nghiệp, có đến 80% lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn. Bở vậy, nếu không có sự chuẩn bị nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề, nhiều khả năng lao động phổ thông dễ dàng bị robot thay thế trong cuộc cách mạng 4.0 này.
Như lời ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn: cuộc cách mạng 4.0 đặt ra thách thức kiểu “một mất một còn” với công nhân, lao động. Nếu kỹ năng lao động của công nhân không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao.
Vì vậy, việc phải làm bây giờ, là mỗi người công nhân phải tự nâng chất để đáp ứng được nhu cầu phát triển tất yếu của xã hội. Nhưng anh cũng biết đấy, để làm được điều đó không hề đơn giản bởi với mức lương hiện nay, lo cho cuộc sống với công nhân đã là quá vất vả, thì khái niệm tự học tập, nâng cao kỹ năng sẽ là quá xa xỉ? Trách nhiệm đó không ai khác chỉ có thể là chính lãnh đạo đơn vị, công ty nơi họ đang làm việc, anh nhỉ?