Cuộc chiến chống Covid-19: Châu Á đang ‘sáng lên’

Phan Quang Vũ 09/02/2021 06:30

Không quá căng thẳng như Mỹ hoặc châu Âu, nhưng hiện tại nhiều quốc gia châu Á vẫn tiếp tục phải vật lộn với Covid-19. Tuy nhiên, những con số cho thấy, với châu Á, tình hình đã sáng lên không chỉ với hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; mà tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan thì việc kiểm soát dịch đã tốt hơn.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Yonhap.

Hàn Quốc: Nới lỏng lệnh giới nghiêm nhưng vẫn cảnh báo “làn sóng thứ tư”

Trong hôm 7/6, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc thông báo sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm đối với khoảng 580.000 nhà hàng và doanh nghiệp bên ngoài trung tâm thành phố. Cụ thể, một số doanh nghiệp, như nhà hàng, câu lạc bộ thể thao, bên ngoài thủ đô Seoul sẽ được phép kéo dài thời gian hoạt động thêm 1 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Đây là động thái mới đem theo nhiều hy vọng sau nhiều tháng Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng mệt mỏi vì Covid-19 hoành hành.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết Chính phủ đưa ra quyết định này sau khi cân nhắc nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp chịu tác động kinh tế từ dịch Covid-19. Seoul và các khu vực lân cận đang áp dụng biện pháp phòng dịch ở cấp độ 2.5, mức cao thứ 2 trong thang áp dụng gồm 5 cấp. Trên thực tế, hơn 70% số bệnh nhân là từ khu vực đô thị Seoul và nguy cơ lây nhiễm tại đây vẫn ở mức cao. Vì thế, dù nới lỏng nhưng nhà chức trách vẫn duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên cho đến ngày 14/2.

Đáng chú ý, trong khi làn sóng Covid-19 thứ ba đang hoành hành thì giới chức y tế Hàn Quốc lại đã lên tiếng cảnh báo về “làn sóng thứ tư”. Lý do được đưa ra là nó sẽ đến khi mà người dân mất cảnh giác, lơ là khi mà người ta sẽ bất cẩn khi chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai từ giữa tháng 2. Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Hội đồng vaccine quốc tế (COVAX) đã công bố kế hoạch phân phối vaccine sơ bộ. Dự kiến Hàn Quốc sẽ được phân phối ít nhất 2.596.000 liều vaccine của Hãng dược phẩm Anh AstraZeneca được sản xuất tại Công ty SK Bioscience của Hàn Quốc; cùng 117.000 liều của hãng dược Mỹ Pfizer.

Nhật Bản: Số ca mắc giảm nhưng hệ thống bệnh viện vẫn chịu sức ép lớn

Kể từ ngày 2/2, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã ra thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số khu vực khác thêm một tháng, kéo dài đến ngày ngày 7/3. Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Nhật bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại vùng thủ đô Tokyo. Ông Suga cho biết, dù số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản đang trên đà giảm nhưng hệ thống bệnh viện vẫn phải chịu sức ép lớn.

Như vậy, tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục có hiệu lực tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Osaka, Aichi và Fukuoka. Căn cứ quy định nhằm kiểm soát sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2, các địa phương: Kanagawa, Chiba và Saitama cũng như Aichi, Gifu, Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka sẽ duy trì tình trạng khẩn cấp. Tỉnh Tochigi sẽ là địa phương duy nhất được dỡ tình trạng khẩn cấp vào ngày hôm qua, 7/2, do tình hình dịch bệnh đã cải thiện đáng kể.

Người dân Tokyo (Nhật Bản) trong dịch Covid-19.

“Số ca nhiễm mới trên toàn quốc đang giảm, chúng ta cần duy trì xu hướng này và giảm số người bệnh nhập viện cũng như những người trong tình trạng nguy hiểm” - ông Suga nói.

Còn theo Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura - Phụ trách công tác ứng phó đại dịch của Chính phủ Nhật Bản thì có thể dỡ tình trạng khẩn cấp trước ngày 7/3 tại nhiều tỉnh/thành. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp là số ca mắc mới hằng ngày giảm xuống dưới mức 500 ca. Các yếu tố khác như số giường bệnh cũng sẽ được xem xét.

Thái Lan: Không có dấu hiệu tiếp tục lây lan rộng ra cộng đồng

Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Thái Lan cho biết, việc xét nghiệm tìm kiếm ca mắc Covid-19 ở một số quận phía tây thủ đô Bangkok sẽ được đẩy nhanh sau khi số ca nhiễm ở khu vực này tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 2.

Theo Tiến sĩ Chakkarat Pittayawong-anont, Giám đốc bộ phận dịch tễ học thuộc Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan, giới chức chính quyền Bangkok đang tăng cường việc sàng lọc chủ động ở 6 quận phía tây Bangkok sau khi một số lượng lớn ca mắc Covid-19 được xác nhận. Các ca nhiễm mới được phát hiện đều có liên hệ tới các công nhân nhà máy và cộng đồng dân cư chung quanh quận Phasi Charoen. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy virus đã lan tới các trường học hoặc hệ thống giao thông công cộng. Ông Chakkarat nhấn mạnh: “Cư dân ở những quận này được khuyến cáo nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế bổ sung, đặc biệt là đeo khẩu trang y tế khi tới các khu chợ”.

Còn người phát ngôn chính quyền đô thị Bangkok Pongsakorn Kwanmuang cho hay, chương trình giám sát phòng ngừa được triển khai ở 6 quận này đã phát hiện 54 ca nhiễm mới. Công nhân 113 nhà máy đã được hành xét nghiệm, với hơn 13.000 người.

Tại Thái Lan, ngoài thủ đô Bangkok thì tỉnh Samut Sakon vẫn là điểm Covid-19 nóng nhất. Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA), thì tình hình lây nhiễm SARS-CoV- 2 tại nước này cho thấy nhiều dấu hiệu giảm. Đặc biệt, số ca bệnh nhân nặng cũng như số người tử vong ít hơn nhiều so với làn sóng Covid trước đó.

Một công bố mới đây của Trung Quốc cho biết hơn 31 triệu người dân nước này đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu 50 triệu người được tiêm phòng vaccine trước Tết Nguyên đán. Mặc dù gần đây số người bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở Trung Quốc đã giảm rõ rệt, nhưng hiện vẫn còn 10 vùng có nguy cơ cao và 57 khu vực có nguy cơ vì dịch. Tết năm nay, nhiều người Trung Quốc cho rằng “ăn Tết ở nhà còn hơn là bị cách ly 21 ngày”, nên “cuộc Xuân vận” khổng lồ năm nay không diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống Covid-19: Châu Á đang ‘sáng lên’