Khi thế giới đang chứng kiến những dấu mốc đáng buồn liên quan đến dịch bệnh Covid-19, với 128,22 triệu ca mắc, trong đó có 2,8 triệu ca tử vong, chưa kể 438.951 ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ trong 24 giờ qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức nhân đạo bằng cách này hay cách khác, nỗ lực không ngừng vì một mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh.
Phân phối vaccine công bằng
Ngày 29/3, WHO đã cảnh báo về khoảng cách ngày càng nới rộng trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 tới những nước giàu có và những nước nghèo hơn thông qua Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do tổ chức này đứng đầu.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về tiêm chủng toàn cầu do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tổ chức, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Khoảng cách giữa số vaccine được sử dụng tại các nước giàu và số vaccine được sử dụng thông qua cơ chế COVAX đang ngày một gia tăng.”
Việc phân phối thiếu cân bằng vaccine ngừa Covid-19 không chỉ trái với đạo đức, mà còn gây tổn hại về mặt kinh tế và dịch tễ học.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, chừng nào virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khắp mọi nơi, tính mạng của người dân vẫn bị đe dọa, trong khi các hoạt động thương mại và đi lại sẽ tiếp tục bị gián đoạn, kéo theo đó là đà phục hồi kinh tế chậm chạp.
Cũng tại Hội thảo trên, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước giàu đảm bảo việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng, nhấn mạnh cần phải huy động 510 triệu USD để hỗ trợ công tác vận chuyển chế phẩm này trên thế giới.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ. Chúng tôi cần các nhà sản xuất vaccine ưu tiên cho cơ chế COVAX và nỗ lực đảm bảo việc phê duyệt theo quy định để phân phối (vaccine) một cách nhanh chóng, công bằng với giá cả phải chăng. Chúng tôi cần các quốc gia giàu có hơn quyên tặng thêm vaccine thông qua COVAX”.
Phát biểu của Tổng Giám đốc WHO và Giám đốc UNICEF được đưa ra một ngày sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine phòng Covid-19, đồng thời kêu gọi các nước này chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch.
Tổng Thư ký LHQ cho biết, hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo đang gặp khó khăn vì có nhiều hoạt động tích trữ, trong khi các nước giàu lại “tư lợi” khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình.
Để cải thiện tình hình, WHO đã kêu gọi các quốc gia giàu có san sẻ vaccine để tất cả các nước đều có thể triển khai tiêm chủng trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định, việc quyên góp được 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp khoảng 20 quốc gia có thể khởi động tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người cao tuổi trong vòng 2 tuần tới.
Nhanh chóng tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Thông tin trong buổi họp báo được tổ chức ngày 30/3 tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WHO cho biết, sau một thời gian dài chờ đợi, bản báo cáo về kết quả cuộc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 do WHO tiến hành tại Trung Quốc hồi tháng 1/2021 sẽ chính thức được công bố trong ngày 30/3 (giờ địa phương) trên trang web của tổ chức này, sau khi thông báo cho các nước thành viên.
Theo người đứng đầu WHO, sau khi báo cáo chính thức được công bố, các chuyên gia quốc tế cũng dự tính sẽ tổ chức một cuộc họp báo để thảo luận và trả lời tất cả những thắc mắc liên quan đến nội dung chi tiết của bản báo cáo.
“Chúng tôi sẽ đọc báo cáo và thảo luận, xem xét nội dung và các bước tiếp theo với các nước thành viên. Tôi sẽ có nhiều thứ để nói hơn sau khi xem xét và hiểu nội dung báo cáo. Còn bây giờ mọi giả thuyết vẫn được để ngỏ và cần nghiên cứu thêm” - Tổng Giám đốc WHO cho biết.
Theo ông Tedros, các chuyên gia quốc tế sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo dự thảo báo cáo mà các hãng tin như AFP và AP đã nhận được, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 giả thuyết để xác định khả năng xuất hiện của loại virus SARS-CoV-2. Họ kết luận giả thuyết virus lây truyền thông qua động vật trung gian là “có khả năng” đến “rất có khả năng.”
Trong khi đó, giả thuyết virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ dơi sang người là “có khả năng”. Giả thuyết lây truyền qua thực phẩm đông lạnh có thể xảy ra nhưng ít khả năng.
Họ hàng gần nhất của virus gây bệnh Covid-19 này đã được tìm thấy ở dơi, loài vật mang virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng “khoảng cách tiến hóa giữa dơi và virus SARS-CoV-2 được ước tính là vài thập kỷ, cho thấy giả thuyết này còn thiếu liên hệ”.
Kêu gọi lập hiệp ước đối phó đại dịch
Trong bài viết chung được đăng trên các tờ báo lớn toàn cầu mới đây, 24 lãnh đạo thế giới và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo khả năng xảy ra đại dịch tương tự Covid-19 là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. Và rằng Covid-19 hiện nay như “lời nhắc nhở nghiêm khắc và đau đớn” rằng không một người nào có thể an toàn nếu mọi người xung quanh chưa an toàn.
Căng thẳng quốc tế về nguồn cung vaccine Covid-19 đã khiến các nhà lãnh đạo kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, mở ra kỷ nguyên mới dựa trên các nguyên tắc như đoàn kết và hợp tác. Họ coi đại dịch Covid-19 là “thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ những năm 1940” và cho rằng cần xây dựng mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới để ứng phó cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tiếp theo.
Nhóm lãnh đạo khẳng định, hiệp ước toàn cầu đối phó đại dịch sẽ giúp các quốc gia “chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và hợp tác trong hệ thống quốc tế cũng như tuân theo các quy tắc và chuẩn mực trong đó”.
Lãnh đạo các nước G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Pháp, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí với ý tưởng lập hiệp ước toàn cầu đối phó đại dịch và sẽ thảo luận thêm tại Hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall vào tháng 6.
Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 29/3, Chủ tịch Ủy ban Tự do dân sự, tư pháp và nội vụ, nghị sĩ Juan Fernando Lopez Aguilar xác nhận, Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ phê chuẩn hộ chiếu vaccine trong phiên họp toàn thể diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10/6 tới. Nghị sĩ Aguilar cũng là người phụ trách hồ sơ về hộ chiếu sức khoẻ của EP.