Huy động vốn tăng chậm trong khi tăng trưởng tín dụng tăng nhanh, gấp 2,5 lần tốc độ huy động vốn đã đẩy cuộc đua lãi suất ngày càng nóng.
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%), tương đương gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Như vậy, sự lệch pha giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn ngày càng được mở rộng, điều này càng khiến cho cuộc đua lãi suất ngày càng nóng.
Và ghi nhận từ diễn biến thị trường cho biết, các ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm. Những ngày đầu tháng 10 này đang dao động từ 4,7% - 7,0%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động ở mức 5,6% - 7,45%/năm tùy thuộc vào từng ngân hàng, áp dụng cho tiền gửi tại quầy.
Liên quan đến động thái tăng lãi suất tiết kiệm, một số chuyên gia cũng cho rằng mức độ biến động của mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Nhiều chuyên gia dự báo, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 1-1,5 % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất tiết kiệm và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng.
Ngoài ra, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng nhà nước(NHNN) vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất tiết kiệm chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.
Cũng theo các chuyên gia, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì sang đến năm 2023 do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và các ngân hàng thương mại tăng.
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc một công ty nhôm kính tại Hà Nội cho hay, khoản vay của công ty này sắp tới kỳ đáo hạn, đầu tuần này, nhân viên ngân hàng thông báo kỳ vay tới sẽ tăng lãi suất thêm 1% so với hiện tại.
“Lãi suất cho vay tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chúng tôi đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án, thay vì triển khai cùng một lúc nhiều dự án như trước, chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án sắp hoàn thành, rồi mới triển khai tiếp để tiết kiệm vốn” - ông Cường nói.
Theo khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là bám sát, điều hành kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn tổ chức tín dụng, nên Phó Thống đốc cho biết, NHNN cũng điều hành hướng đến mục tiêu này. Do đó, 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhưng đến tháng 9, NHNN đã tăng một số lãi suất điều hành trước làn sóng tăng lãi suất của các quốc gia.
Theo ông Sơn, mục tiêu của động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN là để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, hài hòa lợi ích các bên, tạo điều kiện cho các ngân hàng duy trì, thu hút tiền gửi, từ đó có nguồn tài chính cho vay trong thời gian tới.
“NHNN sẽ tiếp tục sẽ vận động các ngân hàng thương mại rà soát, giảm chi phí hoạt động, để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” - ông Sơn cho biết.
Trước các biến động lãi suất, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào. Cùng với đó đẩy nhanh và tính đến việc nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.