Núi lửa Nyiragongo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã phun trào vào tháng 5/2021, khiến hơn 360.000 người dân phải sơ tán khỏi khu vực xung quanh Goma.
Hơn 360.000 người dân đã phải di dời hoặc sơ tán khỏi ngôi nhà của họ xung quanh thị trấn Goma khi ngọn núi lửa Nyiragongo phun trào vào tháng 5/2021. Ít nhất 30 người đã thiệt mạng cùng hơn 20.000 cư dân mất trắng nhà cửa và trang trại. Để đối phó với thảm họa trước mắt, chính phủ đã thiết lập 5 khu trại ở các trường học gần đó cho những người phải di dời. Một ở thị trấn Kayembe, cách Goma khoảng 4 km. Hơn 4.000 người hiện đang trú ẩn tạm thời ở đây.
Ông Chance Barambesha, 42 tuổi, kể lại: “Tôi đến đây một ngày sau khi vụ phun trào xảy ra. Tuy nhiên, do sự hỗ trợ cạn kiệt, chính phủ đã không thể giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn về thực phẩm”.
“Vấn đề về nước vẫn còn rất nghiêm trọng. Các tổ chức phi chính phủ đã ngừng cung cấp nước, và nguồn nước do chính phủ cung cấp lại không hề miễn phí và có giá 0,050 USD cho 20 lít nước”, ông nói thêm.
Một phần của khu trại sơ tán đã được sử dụng để xây dựng một trường học mới, và cư dân đã được thông báo rời đi. Barambesha lo ngại: “Hầu hết chúng tôi không biết phải đi đâu và hai nhà kho mà chúng tôi phải chuyển tới sống tạm là quá nhỏ đối với tất cả mọi người”.
Consolata Kabugho, 30 tuổi, đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà mà cô đã sinh sống với chồng và đứa con 4 tuổi ở làng Kabaya do trận núi lửa bất ngờ ập tới. Trong cơn hoảng loạn sau vụ nổ, cô đã lạc mất người chồng và không biết khi nào sẽ có thể gặp lại.
“Chúng tôi đang sống trong một khu trại không sự đảm bảo về nguồn nước uống an toàn. Tôi thường phải đi bộ hàng cây số để lấy nước và nấu ăn cho con”, Kabugho nói. “Bây giờ chúng tôi lại được thông báo rằng cần phải ra khỏi nơi ở của mình, đồng thời được yêu cầu sống trong một nhà kho với tất cả những người khác cùng cảnh ngộ. Tôi không có bất kỳ sự lựa chọn nào, hoặc tôi sẽ phải ngủ ngoài đường hoặc trong nhà kho, ngay cả khi đây không phải là một nơi trú ẩn an toàn”.
Hiện đang sống trong mái ấm cộng đồng, Kabugho vẫn luôn có những mong ước riêng cho tương lai: “Tôi yêu cầu chính phủ giúp người dân có một khởi đầu mới. Tôi chỉ cần một số tấm nhựa hoặc tấm bạt để xây dựng một ngôi nhà tạm tại một ngôi làng hoặc trên mảnh đất nào đó có thể làm nông nghiệp, nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mơ ước”.
Đối với bà Kanakuze Soridori, 60 tuổi, cuộc sống thật khó khăn. “Tôi thiếu thức ăn, và nguồn nước sạch cách nơi đây tới hơn một km, nơi tôi cần xếp hàng trong hơn hai giờ đồng hồ để có được 20 lít nước”.
Bà Soridori cho biết, cư dân tại khu trú ẩn đã không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ các tổ chức cứu trợ kể từ tháng 7/2021. “Chúng tôi không nhận được gì từ họ và không nhận được gì từ chính phủ. Điều tôi cần từ chính phủ là cho phép chúng tôi quay lại mảnh đất của mình và hỗ trợ chúng tôi một số vật liệu cơ bản để xây dựng lại cuộc sống mới”.
Với một số lượng ít ỏi cơ sở vật chất phía trong các trại, người dân đã bắt đầu trở về quê hương để xây dựng lại nhà cửa và cuộc sống của họ.
Ông Farachon Nelson, 50 tuổi, hiện đang thuê một ngôi nhà ở ngoại ô thị trấn Goma sau khi ngôi nhà của ông bị phá hủy do núi lửa phun trào. Đã hơn một năm trôi qua, chính quyền vẫn không cho phép người dân quay trở lại mảnh đất của chính mình. Nelson, một người cha của 5 đứa trẻ, đã tự mình giải quyết vấn đề.
Ông đã quyết định quay trở lại làng Kasenyi để xây dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất vẫn còn bao phủ bởi dung nham.
“Tôi đã nghèo đến mức không thể trả thêm tiền thuê nhà ở thị trấn Goma nữa, chính vì vậy quyết định tốt hơn hết là tôi nên quay lại mảnh đất của chính mình và bắt đầu xây dựng cho gia đình tôi một tổ ấm mới. Điện không phải là vấn đề, trong khi đó, cấp bách nhất lại là việc thiếu nguồn nước sạch.
Chúng tôi yêu cầu chính phủ làm tất cả những gì có thể để cho phép những người đang sống trong các trại trở về quê hương, để cuộc sống của họ có thể tiếp tục”.