Khi núi lửa phun trào kéo theo những trận sóng thần tàn phá đảo Tonga, nhiếp ảnh gia Leki Lao đã lên một chiếc thuyền cứu trợ khẩn cấp của hải quân để tới hòn đảo này, chứng kiến sự hủy diệt, đau lòng và nỗi sợ hãi.
Sau trận sóng thần
Sau khi những trận sóng thần ập đến cuốn trôi hòn đảo từ thời điểm ngày 15/1, Leki Lao vẫn đi làm như bình thường vào lúc 6h30. Anh là nhân viên thu mua tại Bộ Đất đai ở Tonga, đồng thời làm việc như một nhiếp ảnh gia. Khi đến thị trấn, anh đã sốc khi nhìn thấy thủ đô Nuku’alofa giống như một bãi rác và bắt đầu chụp lại những bức ảnh.
Con tàu tuần tra của hải quân chở Leki, một đồng nghiệp khác, hai sĩ quan cảnh sát, ba y tá, một bác sĩ và thủy thủ đoàn cùng rất nhiều vật dụng cứu trợ khẩn cấp, mất hơn 18 tiếng để đến Nomuka, hòn đảo gần nhất của Ha'apai so với hòn đảo chính Tongatapu của Tonga - một chuyến đi thường chỉ mất bốn giờ. Các mảnh vụn trong nước, chủ yếu là tro và đá núi lửa, liên tục khiến động cơ bị hỏng.
Khi họ đến đảo Nomuka và các hòn đảo khác ở Ha'apai, mùi tanh hôi của cá chết và tro ẩm ướt ở khắp mọi nơi. Những người phụ nữ tại đây đã khóc, ánh mắt của họ khi thấy con tàu cứu trợ thật đau lòng. Họ không nghĩ rằng đội cứu trợ có thể đến được, vì mọi phương tiện liên lạc đều đã ngừng hoạt động.
Những câu chuyện về những gì họ trải qua đã lấp đầy bãi biển - một số người đã khóc, một số lại nghẹn lời vì quá xúc động. Rõ ràng người dân Nomuka vẫn đang lo sợ về một vụ phun trào khác, một sự thật dễ hiểu do họ sinh sống rất gần núi lửa.
Những thiệt hại ‘khó phục hồi’
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại do vụ phun trào núi lửa và trận sóng thần kéo theo đã tàn phá phần lớn quốc đảo Tonga một tháng trước, sẽ rơi vào con số hơn 125 triệu USD, tương đương gần 20% GDP của quốc đảo Tonga.
Báo cáo đánh giá tác động của Ngân hàng Thế giới cho thấy 85% dân số nước này đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào chưa từng có, bao phủ quần đảo với những đám tro núi lửa dày đặc và tạo ra những đợt sóng đủ mạnh để san phẳng các hòn đảo.
Tuyến cáp quang biển quốc tế dưới nước của Tonga vẫn chưa hoạt động trở lại sau khi núi lửa phun trào làm đứt kết nối ở hai nơi, khiến cho các hoạt động liên lạc gặp nhiều trở ngại.
Theo nhân viên liên lạc của Ngân hàng Thế giới Natalie Latu, mặc dù tro núi lửa và sóng thần gây ra sự tàn phá trên diện rộng, nhưng tác động của chúng lại khác nhau tùy theo lĩnh vực. Bà Latu nói: “Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động của núi lửa lớn hơn tác động của sóng thần. Thiệt hại do tác động của núi lửa là 80%, trong khi thiệt hại do sóng thần chỉ chiếm 20%”. 85% hộ gia đình nông nghiệp trên cả nước đã bị ảnh hưởng, vô số cây trồng, vật nuôi và thủy sản đã phải gánh chịu hậu quả của thảm họa.
Tuy nhiên, sóng thần lại gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành du lịch, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng như khu nghỉ dưỡng, các công trình công cộng và vô số tài sản khác. Khoảng 600 tòa nhà trên khắp quốc đảo Tonga đã bị sóng thần làm hư hại hoặc phá hủy. 300 tòa nhà trong số này là nhà ở, và ước tính 1.525 người dân từ các nhóm đảo Tongatapu và Ha'apai đã phải di dời để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Không rõ sẽ mất bao lâu để quốc đảo Tonga có thể phục hồi như trước kia. Nhưng bà Latu khẳng định: “Cộng đồng Tonga đã rất kiên cường trong việc thu dọn tàn dư, sửa sang nhà cửa và cố gắng trở lại cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt”.