Thời điểm này, các doanh nghiệp đang ra sức cung ứng hàng hóa. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã trưng bày hàng để phục vụ dịp Noel, Tết Nguyên đán. Thị trường bán lẻ dù còn gặp khó khăn nhưng vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng.
Hầu hết doanh nghiệp (DN) bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm. Vì vậy, DN bán lẻ thường đầu tư lớn nhằm tạo ra sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong cuộc đua với những đối thủ cùng ngành.
Doanh nghiệp chạy đua hàng Tết
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ quý III/2022 DN đã chuẩn bị 710 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết Quý Mão 2023, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên liệu sản xuất được chuẩn bị bao gồm 2.000 tấn thực phẩm tươi sống và 4.200 tấn thực phẩm chế biến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết đang chuẩn bị ra mắt sản phẩm nước tăng lực cà phê dành riêng cho thị trường Tết vì đây là thời điểm thích hợp nhất để tung sản phẩm mới, vừa đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng vừa dễ tạo doanh thu.
Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, ngay từ cuối tháng 9/2022, BRG Mart đã làm việc với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả các mặt hàng chủ lực. Hàng bình ổn chiếm 32% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết. BRG Mart có hệ thống gồm 69 siêu thị, cửa hàng bán lẻ tham gia bán hàng bình ổn giá.
Còn ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op cũng cho hay, để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30 đến 50% tùy nhóm hàng. Tổng lượng hàng dự trữ của hệ thống bán lẻ này là khoảng 14.000 tấn. Sài Gòn Co.op sẽ tổ chức hơn 50 điểm bán hàng bình ổn tại thị trường Hà Nội và miền Bắc, nhằm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô.
Tương tự, Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm, hiện Big C đã tiến hành đàm phán với các hãng nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.“Thông qua đàm phán, Big C sẽ đa dạng nguồn cung để bù đắp lượng thiếu hụt, chú trọng tới nguồn hàng ổn định và giá thấp do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Đồng thời Big C còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mại qua đó duy trì và thu hút khách mua sắm” - ông Phong nói.
Đánh giá về nhu cầu mua sắm vào dịp cuối năm, một điều tra của sàn thương mại điện tử cho rằng quý 4/2022 sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm nhất trong năm. Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm cho các dịp lễ hội và chuẩn bị cho Tết sớm hơn thường lệ. Trong đó, nhu cầu mua các mặt hàng thuộc các ngành hàng làm đẹp, thời trang, điện tử, nội thất nhà cửa, thực phẩm được dự đoán sẽ tăng cao.
Cam kết lượng hàng dồi dào
Cùng với các DN sản xuất, tại thời điểm này các siêu thị lớn nhỏ trên cả nước đều đang rục rịch chuẩn bị hàng hóa để đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và không tăng giá trong dịp cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Hiện hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ hàng hóa lên 30 - 50% tùy từng nhóm hàng. Các hệ thống phân phối lớn khác như Central, MM Mega Market, Aeon, Lotte Mart, Winmart, Emart… hầu hết cũng tăng sản lượng từ 20 - 30% so với Tết 2022 và chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dồi dào, đồng thời sẽ có nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm.
“Mùa cuối năm nên nhiều mặt hàng bên em bán chạy lắm” - nhân viên bán hàng Aeon Mall nói. Cuối tuần đầu tiên của tháng 12, nhiều khách hàng tranh thủ thời gian đến siêu thị để mua sắm, các gian hàng bày bán đồ gia dụng, hàng khô, quà tết được đông người quan tâm.
Tương tự, tại cửa hàng Kangaroo ở tầng 3 siêu thị Aeon Hà Đông (Hà Nội), nhân viên bán hàng cũng cho biết: “Chương trình giảm giá 50% một số sản phẩm của cửa hàng chắc chỉ kéo dài 2 -3 hôm nữa. Hơn một tuần trở lại đây, nhiều khách hàng đến mua nồi chiên không dầu, bếp từ, và cả nồi cơm điện”.
Tại siêu thị Đức Thành, nhân viên siêu thị cũng cho rằng đã vào giai đoạn sôi động nhập hàng Tết và bày hàng Tết. Tuy nhiên nhiều người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm vì kinh tế năm nay vẫn khó khăn. Băn khoăn giữa “rừng” hàng hóa chị Trần Mỹ Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Đang rảnh nên tranh thủ đi mua sắm một ít đồ dùng cho Noel, cũng như nhìn ngắm các mẫu quà tết tết. Năm nay đến thời điểm này chưa thấy để dành được khoản tiền nào, nên chỉ sắm cho có không khí”.
Nhận định của Sở Công thương Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 10,75 triệu người đang sinh sống và làm việc, học tập. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân dịp cuối năm, ngành Công thương đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết với tổng giá trị hàng hóa là khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết năm 2022).
Có thể thấy, tại thời điểm này hầu hết các DN đều đã tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng và đưa lên kệ hầu hết các mặt hàng cần cho dịp lễ hội cuối năm cũng như đón Tết Nguyên đán. Từ đó cho thấy tháng cuối năm 2022 và tháng đầu năm 2023 hàng hóa sẽ dồi dào. Kể cả thực phẩm tươi sống (thịt, cá) và rau củ quả cũng đầy đủ phục vụ người tiêu dùng.
Đáng chú ý, lạm phát được kiềm chế nên giá cả hầu hết những mặt hàng dân sinh cũng sẽ không tăng.
Mặc dù vẫn chịu tác đông của đại dịch Covid-19 kéo dài song thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn trong đà tăng trưởng. Phân tích của nhà bán lẻ Aeon, trong 5-10 năm tới kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm).