Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Cuống cuồng cuộc đua vào 10

Nam Việt 19/03/2024 06:55

Năm học 2024-2025, Hà Nội tiếp tục tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập theo phương thức thi tuyển. Kỳ thi này dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6/2024. Tuy nhiên, ở thời điểm này đã là “cao điểm” của việc dạy thêm - học thêm, luyện thi. Nhiều học sinh lớp 9 phải học “tối tăm mù mịt” để kiếm “một vé” vào trường công.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn phụ huynh học sinh, với những chia sẻ nội dung thường thấy là: "Anh chị nào có kinh nghiệm hay biết lớp luyện thi uy tín, chất lượng cho em biết với ạ. Bây giờ bắt đầu phải tăng tốc rồi". Để con có thể vào được lớp 10 trường công lập khu vực nội thành, phụ huynh không kể nắng mưa, sáng tối đưa đón con đi học. Không chỉ học thêm 2,3 thầy cô ở điểm mở lớp học thêm, nhiều phụ huynh còn thuê gia sư tới tận nhà kèm 3 môn thi. Như thể vào được lớp 10 trường công nội thành là mục đích sống còn.

Cả cha mẹ và học sinh cùng quay cuồng. Thực tế cho thấy cuộc thi vào lớp 10 trường công ở Hà Nội nhiều năm qua rất căng thẳng, do tỉ lệ được chọn thấp, lại thiếu trường, thiếu lớp. Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng khuyên các bậc phụ huynh không nên ép con luyện thi vô tội vạ; có người còn nói rằng cha mẹ không nên lấy mất tuổi thơ của con em mình.

Nhưng đó cũng chỉ như những “tiếng thở dài” mà thôi.

Áp lực vào lớp 10 trường công ở Hà Nội rất nặng nề. Trong những áp lực ấy, có áp lực tài chính. Đặc biệt là với gia đình lao động thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Nhiều phụ huynh cho biết, với 3 môn học thêm để luyện thi, mỗi tuần 2 buổi/môn thì trung bình mỗi tháng chi phí khoảng 4 triệu đồng. Nếu thuê thêm 3 gia sư 1 kèm 1 tại nhà thì số tiền sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, 1 học sinh lớp 9 khu vực nội thành Hà Nội học thêm, luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 sắp tới tốn khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Tất nhiên số tiền đó là đối với nhà có điều kiện. Còn nhiều học sinh con nhà nghèo, cha mẹ không thể có tiền cho con đi học thêm nhiều lớp học thêm, luyện thi. Điều đó hoàn toàn có thể dẫn tới việc những thí sinh này đạt điểm số cao là rất khó khăn.

Tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 (nguyện vọng 1) trường công ở Hà Nội được coi là khó nhất cả nước. Năm học vừa qua, không ít trường lấy vào lớp 10 hơn 40 điểm. Nếu so với vùng ngoại thành hoặc với một số tỉnh thành khác thì đó là số điểm “siêu tưởng”, khi mà học sinh đạt 25 điểm ở ngoại thành đã đỗ đầu thì với khu vực nội thành vẫn trượt như thường.

Từ lâu, xã hội đã phản ứng với việc không ít giáo viên dùng chiêu trò để kéo học sinh đến học thêm với mình tại nhà. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, đó còn do sự lo lắng của phụ huynh đối với tương lai gần của con mình: không học thêm không được vì nếu trượt trường công thì phải vào trường tư với mức đóng góp hàng tháng rất cao. Đứng trước sự lựa chọn ấy, nhiều bậc phụ huynh đã chọn cách “mua chữ” cho con bằng hình thức học thêm liên tục và kéo dài. Nhiều gia đình đang yên đang lành bỗng bất hòa cũng chỉ vì gánh nặng chi phí và việc đưa đón con đi học thêm.

Cũng cần phải nói rằng, đã rất nhiều năm chúng ta hay nói đến việc giảm tải cho học sinh. Nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Vì sao chương trình giảm tải nhưng học sinh vẫn phải đi học thêm? Trách nhiệm trả lời thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu không thay đổi được cách đánh giá và điểm số, trong đó có kỳ thi vào lớp 10 trường công.

Một trong những mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) là phát huy phẩm chất năng lực học sinh, giảm tải nội dung kiến thức so với chương trình cũ (2006). Tuy nhiên, cách đánh giá vẫn gây áp lực cho học sinh về mặt thành tích và điểm số.

Không bậc cha mẹ nào bỗng dưng bỏ ra một khoản tiền lớn rồi ép con học đến mụ mẫm. Vậy thì tại sao lại như vậy? Trang bị kiến thức cho con vững bước vào đời là rất tốt, nhưng đó phải là một quá trình kèm cặp bảo ban thường xuyên và lâu dài. Nhà trường cũng phải có trách nhiệm quan trọng thông qua việc truyền đạt trên lớp của giáo viên.

Ở đây rất khó định lượng làm sao để biết giáo viên có “dạy hết chữ” cho trò trên lớp không, hay là “bớt chữ” để dạy thêm. Mấu chốt của vấn đề vẫn là lương tâm, đạo đức của người làm thầy.

Nếu không có được điều căn cốt ấy thì cho dù chương trình, sách giáo khoa có đổi mới hay đến đâu cũng sẽ không đưa lại kết quả. Và như thế, việc dạy thêm - học thêm tràn lan vẫn là căn bệnh nan y và những kỳ thi vào lớp 10 trường công (ít ra là ở Hà Nội) vẫn sẽ rất căng thẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuống cuồng cuộc đua vào 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO