Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xử phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 24 – 26 năm tù, tổng hợp cả 2 tội danh bị truy tố.
Chiều 26/7, đại diện VKS tiến hành luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác. Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết từ 5 – 6 năm tù về tội “thao túng thị trường chứng khoán”, 19 – 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hình phạt là từ 24 – 26 năm tù.
Với các bị cáo còn lại, VKS cho biết đã xem xét, cân nhắc đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo để đưa ra mức án đề nghị phù hợp với tội danh mà họ bị truy tố.
VKS cho rằng, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo “xả bán” cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
VKS nhận định hành vi của các bị cáo đã gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Trong đó, hành vi của bị cáo Quyết là rất tinh vi, sử dụng Công ty Faros là công cụ, sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Về việc khắc phục hậu quả, VKS ghi nhận và tôn trọng phương án khắc phục hậu quả của bị cáo Quyết nhưng đến nay, VKS mới ghi nhận bị cáo Quyết khắc phục hơn 200 tỉ đồng, con số này là chưa đáng kể so với hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả để làm căn cứ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình tranh tụng.
Phương án khắc phục hậu quả của bị cáo Trịnh Văn Quyết
Tại phần xét hỏi trước đó, trả lời VKS, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết đến ngày 25/7, bị cáo được gia đình khắc phục khoảng 240 tỷ đồng.
Liên quan đến tội “thao túng thị trường chứng khoán”, theo lời khai của cựu Chủ tịch FLC tại tòa, bị cáo đã “bán đi tài sản tâm huyết của mình là hãng hàng không Bamboo” để có tiền đền bù, thu được 200 tỷ đồng và nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra để khắc phục.
Sau khi bị khởi tố về tội “thao túng thị trường chứng khoán”, đến tháng 8/2022, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền bị quy kết đã chiếm đoạt là trên 3.000 tỷ đồng.
Theo lời khai của bị cáo Quyết, bị cáo đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và 30% cổ phần của mình tại FLC; đồng thời bị cáo cho rằng toàn bộ tài sản đó đủ để khắc phục hậu quả.
Tại tòa, bị cáo Quyết khẳng định bản thân vẫn luôn tìm mọi cách để khắc phục hậu quả nếu bị HĐXX tuyên phải bồi thường. Ngoài ra, bị cáo Quyết trình bày rằng tài sản đang bị phong tỏa ước tính khoảng 4.800 tỷ đồng – 5.000 tỷ đồng, cộng thêm số tiền người mua hãng hàng không Bamboo chưa trả thì cũng đủ khắc phục hậu quả của vụ án.
Đứng trước HĐXX, cựu Chủ tịch FLC rất mong cơ quan tiến hành tố tụng cho phép được bán cổ phần của bản thân tại FLC trước, nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết.