Cứu doanh nghiệp nhỏ hay cứu tất cả?

17/06/2020 08:19

Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nhiều ĐB cho rằng, không chỉ doanh nghiệp “nhỏ”; mà cả doanh nghiệp “vừa” và “lớn” cũng cần được hỗ trợ nếu xác định bị thiệt hại.

Doanh nghiệp đang chờ được hỗ trợ để khôi phục và phát triển sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Chỉ giảm thuế với doanh nghiệp sụt giảm doanh thu

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tức là hỗ trợ nền kinh tế, an sinh, việc làm, sinh kế người dân vì DN nhỏ và vừa là khu vực tạo ra việc làm nhiều nhất. Cho nên đây là giải pháp hỗ trợ an sinh chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp hỗ trợ kinh tế.

Tuy nhiên theo ông Lộc, cũng cần hỗ trợ những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề do chịu ảnh hưởng nặng nề như: du lịch, hàng không. Bởi theo ông “đây là những lĩnh vực có tiềm năng và họ đang khó khăn tạm thời. Nếu giúp họ qua khó khăn lúc này thì họ có thể phát triển”. Ông Lộc nói: “Cho nên hỗ trợ ở đây không chỉ riêng DN nhỏ và vừa mà cả DN lớn, những lĩnh vực cốt lõi nền kinh tế.

Khi thúc đẩy thì nâng cao năng lực cạnh tranh tương lai, giúp bảo vệ chủ quyền tương lai. Hiện nhiều DN lớn cũng đang trước khó khăn, đứng trước nguy cơ rình rập tình trạng mua bán sáp nhập DN. Nếu chúng ta không cứu, hỗ trợ họ thì tương lai nền kinh tế lai khu vực tư nhân có thể nắm được khu vực trọng yếu hoặc hay rơi vào tay nước ngoài. Đây còn là vấn đề an ninh kinh tế. Vì vậy, khi hỗ trợ DN nhỏ thì cũng cần ngay phương án hỗ trợ các ngành kinh tế trọng điểm đang gặp khó khăn”.

Đưa ra dẫn chứng: Hiện trong tổng 760.000 DN, thì trong đó 93% là DN nhỏ, 4% là DN vừa và 3% là DN lớn. Số DN này có đóng góp lớn vào GDP, lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhưng DN nhỏ và vừa đang bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, bị tổn thương nặng nề nhất không chỉ trên quy mô cục bộ, mà trên quy mô toàn cầu, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), cho rằng Dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định giảm 30% thuế thu nhập DN với DN không quá 50 tỷ đồng, lao động không quá 100 người. Tuy nhiên tiêu chí xác định DN nhỏ được quy định tại Luật là doanh thu không quá 100 tỷ đồng, lao động không quá 50 người.

Theo ông Thân, như vậy Nghị quyết sẽ chỉ giảm cho 1 nửa số doanh nghiệp nhỏ. Còn doanh nghiệp trên 50 tỷ đồng không được hưởng Nghị quyết này là không đúng. “DN vừa chiếm 4% trong 760.000 DN, tương đương chưa tới 30.000 DN. Đây là DN nòng cốt, kết nối chuỗi giá trị, là hạt nhân trong cộng đồng DN Việt Nam. Cho nên cũng nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN vừa, bởi nếu bỏ số DN này ra đối tượng giảm thuế là chưa thoả đáng”- ông Thân cho hay.

Cùng chung quan điểm, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đưa ra phân tích: “Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội, kéo theo loạt vấn đề DN phải đối mặt. Thiếu vốn, hợp đồng xuất nhập khẩu bị đình trệ.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, dịch bệnh tác động tới 87,5% DN, dịch kéo dài tới quý II thì trên 160.000 DN tạm dừng hoạt động và tăng lên hơn 200.000 DN nếu dịch kéo dài tới quý IV. Do đó cũng nên xem xét giảm thuế cả với DN vừa, chứ không riêng DN nhỏ”. Tuy nhiên, ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (đoàn An Giang) cho rằng trong dịch Covid-19, không phải tất cả DN thua lỗ, mà vẫn có 1 bộ phận phát triển được. Cho nên chỉ giảm thuế với DN sụt giảm doanh thu so với năm 2019.

Cần thêm các gói hỗ trợ khác

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng: DN có lãi trong năm 2020 là rất khó. Cho nên khi Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập DN mang tính chất động viên, chia sẻ với DN nhiều hơn.

Theo ông Ngân, giờ DN khó khăn hiện nay cần hỗ trợ chính sách tiền tệ, tài khoá. Bởi với khoản vay hiện nay, DN khó tiếp cận các khoản vay, vì hàng hoá đang tồn kho nên cần vay món mới. Vì vậy cần có thêm gói hỗ trợ khác như hỗ trợ Quỹ tín dụng bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa và cần tăng thêm vốn cho Quỹ bảo lãnh này nhằm tăng khả năng bảo lãnh cho DN, giúp họ tiếp cận vốn vay từ phía ngân hàng thương mại cho các DN nhỏ.

“Tại Nghị quyết 42 hướng dẫn DN có thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, nhưng giờ chưa DN nào vay được, do khó tiếp cận. Cho nên cần xem lại điều kiện, thủ tục đối tượng vay này. 5 tháng đầu năm số lập mới hơn 48.000 DN, giảm 10% so với cùng kỳ, số tạm dừng hoạt động 26.080 DN. Tuy nhiên số DN tạm ngừng vẫn chưa bỏ cuộc, vẫn đang chờ cơ hội và kỳ vọng sự tiếp sức từ Chính phủ. Vì vậy Chính phủ nên quan tâm tới số DN đang tạm dừng hoạt động này, có hỗ trợ với họ để có sức vượt qua khó khăn hiện nay. Chính phủ cũng nên tăng liều lượng hỗ trợ DN để họ đủ sức vượt qua khó khăn trong các tháng tới, giúp họ giữ được thương hiệu của mình”- ông Ngân nói…

H.VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu doanh nghiệp nhỏ hay cứu tất cả?